Trung Quốc thừa nhận tấn công, đâm chìm tàu Việt Nam

ANTĐ - Sau khi liên tiếp phủ nhận việc tấn công tàu Việt Nam, thậm chí, trắng trợ vu cáo tàu Việt Nam chủ động đâm va, gây hấn với các tàu Trung Quốc, ngày 3-6, tờ South China Morning Post của Hong Kong dẫn nguồn từ kênh quân sự thuộc Đài Phát thanh Quốc gia của Trung Quốc khẳng định, các tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu Việt Nam ở gần vị trí giàn khoan Hải Dương 981.
Bản tin phát thanh ngày 4-6-2014 do Báo An ninh Thủ đô sản xuất


Theo Đài Phát thanh Quốc gia của Trung Quốc, vụ đâm va đầu tiên xảy ra vào khoảng 12h30 hôm Chủ nhật, khi một tàu hải cảnh của Trung Quốc phun nước vào một tàu kiểm ngư của Việt Nam trong 5 phút, rồi tàu Việt Nam mang số 635 rời đi.
Hai tàu khác của Trung Quốc đã chặn các tàu hỗ trợ của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang đến để giúp đỡ tàu bị tấn công.

Trung Quốc thừa nhận tấn công, đâm chìm tàu Việt Nam ảnh 1
Tàu Trung Quốc đâm va vào tàu Việt Nam


Khoảng 5h chiều hôm đó, một tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu CSB-2016 bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 46015 va vào, khiến tàu Việt Nam bị 4 lỗ thủng bên mạn phải và bị nghiêng, nhiều thiết bị như ống khí bị hỏng, Đài Phát thanh Trung Quốc nói.

Cũng trong ngày hôm qua, 3-6, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã giới thiệu cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông”.

Bằng việc sưu tập các loại văn bản như bản đồ, địa chí, lịch sử, văn bản hành chính, tạp văn cùng nhiều loại tài liệu khác, đội ngũ các nhà nghiên cứu do PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh làm chủ biên đã mang đến người xem cái nhìn cụ thể và toàn cảnh về chủ quyền của Việt Nam. Đây là những tư liệu lịch sử có giá trị khoa học làm căn cứ pháp lý xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trung Quốc thừa nhận tấn công, đâm chìm tàu Việt Nam ảnh 2
Tấm bản đồ thời Nguyễn “Bản quốc dư đồ” có vẽ Hoàng Sa là của Việt Nam


Còn tại hiện trường, khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hauyang Shyou 981 (Hải Dương 981), Cục Kiểm ngư cho hay, trong ngày 3-6, Trung Quốc vẫn duy trì lực lượng khoảng 110-115 tàu, trong đó có 35-40 tàu hải cảnh, khoảng 30 tàu vận tải và tàu kéo, 40-45 tàu cá, 4 tàu quân sự (gồm 2 tàu quét mìn và 2 tàu hộ vệ tên lửa).
Các tàu quân sự thả trôi cách khu vực giàn khoan Hauyang Shyou 981 (Hải Dương 981) khoảng 18-25 hải lý. Ngoài ra, lực lượng Kiểm ngư còn ghi nhận 2 máy bay (1 máy bay cánh bằng và 1 máy bay quân sự KG 2000) hoạt động trinh sát trên khu vực giàn khoan. 

Trong khi đó, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam vẫn tổ chức hoạt động đấu tranh với cường độ cao, phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam, phạm vi hoạt động của các tàu chấp pháp Việt Nam cách giàn khoan khoảng 7-8 hải lý. Khi các tàu kiểm ngư tiến vào khu vực này, các tàu Trung Quốc tổ chức thành từng nhóm 35-45 tàu ngăn cản và uy hiếp quyết liệt. Tuy nhiên, lực lượng Kiểm ngư vẫn kiên trì bám trụ đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc thừa nhận tấn công, đâm chìm tàu Việt Nam ảnh 3
Trung Quốc ngăn cản quyết liệt các tàu Việt Nam


Cũng theo quan sát của lực lượng Kiểm ngư, giàn khoan Hải Dương 981 ở trạng thái ổn định tại tọa độ 15,33 độ Vĩ Bắc, 111,34 độ Kinh Đông.

Hiện vấn đề biển Đông, đặc biệt là sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hauyang Shyou 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đang là “điểm nóng” tại tất cả các diễn đàn quốc tế. Tại cuộc hội thảo với chủ đề “Philippines, Việt Nam và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông” do Trung tâm Wilson tổ chức ngày 3/6 tại thủ đô Washington (Mỹ), các học giả đặc biệt quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông do các hành động gây hấn của Trung Quốc.

Các học giả cho rằng các diễn tiến trong vài tuần qua cho thấy tranh chấp kéo dài này có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Trung Quốc thừa nhận tấn công, đâm chìm tàu Việt Nam ảnh 4
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trình bày về tình hình Biển Đông tại hội thảo ngày 3-6 ở Brussel, Vương quốc Bỉ. 


Còn tại hội thảo “Các sự kiện tại Biển Đông: Khía cạnh pháp lý và hệ lụy về thương mại” diễn ra tại Brussel (Bỉ) chiều 3-6, thay mặt nhóm các nghị sỹ EU, nghị sỹ Marc Tarabella phụ trách các vấn đề ASEAN tại Nghị viện châu Âu bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông. Ông cho rằng những căng thẳng trên biển sẽ ảnh hưởng tới thương mại trên thế giới.
Ông Tarabella khẳng định EU sẽ làm trung gian hòa giải trong vấn đề này nhằm giúp các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra một thỏa thuận chung phù hợp.