Trung Quốc ồ ạt đưa 4 giàn khoan ra biển Đông

ANTĐ - Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng khi đưa tiếp 4 giàn khoan vào biển Đông bất chấp phản ứng của các nước khu vực và dư luận quốc tế. 
Trung Quốc ồ ạt đưa giàn khoan vào biển Đông

Bắc Kinh đang đẩy mạnh các hoạt động thăm dò dầu khí ở biển Đông bằng việc đưa thêm 4 giàn khoan nữa vào khu vực nóng bỏng này, chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép một giàn khoan khổng lồ ở vùng biển Việt Nam. 

Các tọa độ được đưa lên website Cục Hải sự Trung Quốc cho thấy giàn khoan Nam Hải số 2 và 5 sẽ được triển khai ở vị trí nằm giữa nam Trung Quốc và quần đảo Đông Sa (do Đài Loan kiểm soát). Giàn khoan Nam Hải số 4 sẽ được kéo sát về phía bờ biển Trung Quốc. 

Trung Quốc ồ ạt đưa 4 giàn khoan ra biển Đông ảnh 1
Biểu tượng xanh trong vòng tròn trắng là vị trí của giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Các biểu tượng màu xanh còn lại là vị trí của 4 giàn khoan khác của Trung Quốc


Cơ quan này không nói rõ đơn vị sở hữu các giàn khoan nói trên. Tuy nhiên họ cho biết cả ba giàn khoan này sẽ được đưa vào đúng vị trí vào ngày 12-8.

Trước đó, ngày 17-6, Cục Hải sự Trung Quốc đã cung cấp tọa độ của một giàn khoan thứ 4 – Nam Hải 9. Giàn khoan này theo kế hoạch sẽ được hạ đặt bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 20-6.

Và tại buổi họp báo diễn ra ngày hôm qua, 20-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Hoa Xuân Oánh còn trắng trợn tuyên bố, việc ồ ạt đưa giàn khoan vào biển Đông là những “hoạt động bình thường”.

Trung Quốc tăng cường máy bay quân sự ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981 
Cũng trong ngày 20-6, lực lượng thực thi pháp luật của ta đã phát hiện 4 máy bay, trong đó 3 máy máy bay quân sự của Trung Quốc bay trên khu vực các tàu của Việt Nam và giàn khoan Hải Dương 981. 

Trung Quốc ồ ạt đưa 4 giàn khoan ra biển Đông ảnh 2
Máy bay và tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam


Đầu tiên là chiếc trực thăng được cho là dòng Z-9C, mang số hiệu 9237 bay ở độ cao 150m-200m so với mực nước biển. Tiếp theo là máy bay tiêm kích SU-30MKK và sau đó máy bay trinh sát cánh bằng của Trung Quốc bay lượn nhiều vòng quanh khu vực giàn khoan trái phép và đội hình biên đội tàu của lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam. 
Ngoài ra, lực lượng kiểm ngư còn phát hiện thêm 2 tàu quét mìn chưa rõ số hiệu đang thả trôi gần khu vực giàn khoan hạ đặt trái phép.

Obama hối Trung Quốc giải quyết hòa bình tranh chấp ở biển Đông

Ngày 20-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc Trung Quốc giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng luật pháp quốc tế và tránh leo thang căng thẳng.

Trả lời báo giới, ông Obama nói: "Điều quan trọng với chúng ta là có thể giải quyết những tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế, và hối thúc tất cả các bên liên quan duy trì khuôn khổ pháp lý trong việc giải quyết các vấn đề, chứ không phải leo thang - điều có thể gây ảnh hưởng đến việc đi lại và thương mại (trên biển).

Trung Quốc ồ ạt đưa 4 giàn khoan ra biển Đông ảnh 3
Giàn khoan Nam Hải số 9 của Trung Quốc


Phát biểu của ông Obama đưa ra sau khi Trung Quốc liên tục đơn phương gây căng thẳng tại biển Đông bằng việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) tại vùng biển nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời cử đội tàu hộ tống, gồm cả tàu quân sự cản trở hoạt động thực thi pháp luật của phía Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần tổ chức họp báo lên án hành vi đơn phương gây căng thẳng của phía Trung Quốc, đơn phương vi phạm thỏa thuận cấp cao hai nước về những nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề trên biển, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các thỏa thuận giữa ASEAN-Trung Quốc (DOC).

Việt Nam có thể đơn phương kiện Trung Quốc

Tại Hội thảo quốc tế lần lần thứ 2 về Hoàng Sa và Trường Sa diễn ra tại Đà Nẵng ngày 20-6, các học giả quốc tế bày tỏ sự ủng hộ với Việt Nam trong vấn đề giải quyết căng thẳng trên biển Đông. Đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam cần có tiếng nói pháp lý mạnh mẽ để cả thế giới biết chính nghĩa thuộc về Việt Nam.

Cũng tại Hội thảo này, yêu sách đường lưỡi bò, hay còn gọi là đường 9 đoạn của Trung Quốc cũng bị các học giả bác bỏ và lên án mạnh mẽ.

Trung Quốc ồ ạt đưa 4 giàn khoan ra biển Đông ảnh 4
Hội thảo quốc tế lần thứ hai về Hoàng Sa và Trường Sa với chủ đề “Hoàng Sa- Trường Sa: Sự thật lịch sử” hôm qua diễn ra tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông


Tướng Daniel Schaeffer, chuyên gia Bộ Quốc phòng Pháp chuyên sâu về vấn đề biển Đông nói, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị và cộng đồng quốc tế cần đạt sự đồng thuận để yêu cầu Trung Quốc từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”. 

GS. Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Mỹ nhấn mạnh, Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc lên Tòa án Liên Hợp Quốc về Luật biển theo đúng Công ước Quốc tế như Philippines đã làm. Ngoài ra Việt Nam có thể đưa tuyên bố về chủ quyền của mình lên hệ thống Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và nhiều nước khác đã cam kết tuân thủ trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển. 

GS. Erick Franckx, Đại học Tự Do Brussels Bỉ, Thành viên Tòa trọng tài thường trực cũng khẳng định, Việt Nam có thể đơn phương kiện Trung Quốc, bởi trong Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển có một phần trong đó các bên tham gia (bao gồm cả Trung Quốc) chấp nhận việc giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua UNCLOS. 

Trong khi đó, GS. Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, chuyên nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á nói: Việt Nam cần đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an thảo luận về hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tác động của nó đến an ninh khu vực. 

Các học giả nhấn mạnh, Trung Quốc có thể ngăn cản việc này hoặc thậm chí ra nghị quyết phản đối nhưng ít nhất là việc bàn thảo đã diễn ra. Điều này có thể dẫn đến việc cộng đồng quốc tế sẽ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và có những hành động hạ nhiệt căng thẳng.