Trung Quốc ngăn cản Mỹ tiếp cận với công nghệ của tiêm kích JF-17

ANTĐ - Theo Sina Military Network, Trung Quốc và Pakistan đã kí thoả thuận nhằm giấu kín các công nghệ của máy bay đa nhiệm JF-17 Thunder khỏi Mỹ và Ấn Độ, do nó có sự vượt trội hoàn toàn so với các chiến đấu cơ F-16.

Biến thể Block II của JF-17, còn được gọi là FC-1 Xiaolong gần đây vừa được biên chế trong đội bay "Minhas" số 2 của không quân Pakistan. Cấu trúc mới của loại tiêm kích hạng nhẹ này bao gồm các hệ thống điện tử hàng không hiện đại, phầm mềm điều khiển tốt hơn, cũng như khả năng tiếp nhiên liệu trên không.

Minhas là đội bay thứ 3 của Pakistan được nâng cấp với JF-17 để thay thế F-7P. JF-17 có hình dạng giống với mẫu F/A-18 của Mỹ và được trang bị một động cơ phản lực tiết kiệm nhiên liệu RD-93 của Nga.

Chiến đấu cơ JF-17 hay còn gọi là FC-1 Xiaolong

Theo đại diện không quân Pakistan, ông Khalid Mahmood, động cơ này được thiết kế cho MiG-29. Động cơ này có thể không hiện đại nhưng rất ổn định và đáng tin cậy. Không quân Pakistan chưa từng gặp vấn đề nào, mặc dù đã sử dụng JF-17 trong 7.000 giờ.

Hiện các kĩ sư Trung Quốc vẫn đang tìm cách đơn giản hoá và hạ trọng lượng của JF-17. Một trong những điểm tiên tiến mới của RD-93 là nó có hệ thống nạp khí phân kì giúp hạ được trọng lượng và dễ dàng bảo dưỡng hơn, cũng như giảm tối thiểu tín hiệu âm thanh phát ra.

Những bức ảnh mới đây của JF-17 cho thấy nó có thể mang được được 2 tên lửa không đối không tốc độ cao CM-400AKG. Ngoài ra, JF-17 chứa các giá treo vũ khí có khả năng trang bị được bất kì loại vũ khí phổ biến nào ngoài thị trường.

Mặc dù, JF-17 có thể mang theo 4 tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar SD-10, nhưng Pakistan muốn dành nhiều chỗ trống và trọng tải để lắp thêm các bình nhiên liệu. Trang bị tiêu chuẩn của JF-17 hiện nay chỉ bao gồm 2 tên lửa SD-10 và 2 hoặc 3 bình nhiên liệu 1.000 lít đặt ngoài và một bình 800 lít trong bụng máy bay.

Theo các chuyên gia của Sina Military, nếu so sánh với F-16 thì JF-17 hoàn toàn vượt trội, do đó, Mỹ đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của việc này, bằng cách thuyết phục Pakistan chia sẻ tài liệu. Tuy nhiên, mong muốn của Washington đã bị ngăn cản ngay bởi một thoả thuận từ trước giữa Pakistan và Trung Quốc, trong đó, không cho phép Mỹ và Ấn Độ tiếp cận với mọi công nghệ của mẫu máy bay JF-17.