Trung Quốc: Nạn bán xác chết để phục vụ cho "đám cưới ma" gia tăng

ANTD.VN - Cảnh sát ở tỉnh Thiểm Tây, vùng tây bắc Trung Quốc đã bắt giữ một người đàn ông tên Ma với tội danh giết 2 người phụ nữ tâm thần, bán xác chết của họ để phục vụ cho nhu cầu “đám cưới ma” ngày càng tăng lên ở Trung Quốc. 

Theo cảnh sát, các vụ giết người xảy ra vào hồi tháng 4-2016, khi 3 người đàn ông chở theo xác của 1 người phụ nữ trong xe bị cảnh sát giao thông giữ lại.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát đã phát hiện ra một sự thật rùng rợn, người đàn ông tên Ma đã lừa 2 người phụ nữ bị mắc chứng tâm thần, hứa hẹn sẽ tìm chú rể cho họ. Nhưng cuối cùng hắn đã giết 2 người phụ nữ đáng thương và bán thi thể của họ cho những gia đình cần tổ chức “đám cưới ma”.

Trung Quốc: Nạn bán xác chết để phục vụ cho "đám cưới ma" gia tăng ảnh 1

Hủ tục "đám cưới ma" đang biến tướng, khiến nạn trộm cắp thi thể và giết người tăng lên

Được biết “đám cưới ma” là một hủ tục, hiện nay vẫn còn được thực hiện ở một số khu vực của Trung Quốc, nhằm mục đích cưới vợ hoặc chồng cho người chết chưa lập gia đình. Nó được xem là một hình thức tín ngưỡng “độc”, tồn tại khoảng 3.000 năm ở Trung Quốc. Nghi thức này đảm bảo người chết chưa lập gia đình sẽ không phải cô đơn lẻ bóng một mình khi sang thế giới bên kia.

Ban đầu, đám cưới chỉ dành cho người chết, tức là nghi thức được cử hành bởi người sống cho 2 người đã chết, nhưng trong thời gian gần đây, đã có trường hợp, một số người sống đã cử hành hôn lễ với xác chết.

Trong cuộc “hôn nhân ma” giữa hai người đã chết, gia đình “cô dâu” vẫn thách cưới và thậm chí đòi hỏi phải có của hồi môn, trong đó bao gồm đồ trang sức, người hầu và nhà cửa – tuy nhiên tất cả đều làm bằng giấy. Các yếu tố như tuổi tác, hoàn cảnh gia đình vẫn rất được xem trọng trong “đám cưới ma”, nó giống như một đám cưới truyền thống của người sống.

Trung Quốc: Nạn bán xác chết để phục vụ cho "đám cưới ma" gia tăng ảnh 2

Của hồi môn gồm đồ trang sức, người hầu và nhà cửa trong "đám cưới ma" đều làm bằng giấy

Lễ cưới thường bao gồm các nghi thức đám tang của cô dâu chú rể, một bữa tiệc và phần quan trọng nhất là đào xương của cô dâu lên, đặt chúng vào bên trong mộ của chú rể.

Trong nhiều năm qua, các cuộc “hôn lễ ma” đã bị biến tướng ở một số khu vực hẻo lánh của Trung Quốc. Đã có trường hợp một người sống bí mật “kết hôn” với một xác chết, nhưng đáng báo động là nhiều vụ cướp xác chết nghiêm trọng, thậm chí là giết người để phục vụ cho các “đám cưới ma” này.

Trong năm 2015, cảnh sát đã nhận được báo cáo rằng, 14 xác chết thiếu nữ đã bị đánh cắp tại tại một ngôi làng ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Dân làng cho biết, các ngôi mộ đã bị đào bới, đánh cắp xác chết để bán kiếm tiền.

Theo Huang Jing chun, Tiến sĩ thuộc Đại học Thượng Hải, người đã tiến hành nghiên cứu thực địa về “đám cưới ma” ở Sơn Tây từ năm 2008 đến năm 2010, giá của một xác chết hoặc xương của một người phụ nữ trẻ này đã tăng mạnh trong những năm qua.

Trước đây, mức giá cho một xác chết hoặc hài cốt của một người phụ nữ trẻ dao động khoảng 30.000 đến 50.000 nhân dân tệ ( tương đương 4.500 đến 7.500 USD). Hiện tại, mức giá này có thể lên tới 100.000 nhân dân tệ.

Điều này giải thích tại sao việc buôn bán xác chết đã bị cấm kể từ năm 2006 nhưng nạn cướp xác chết vẫn không hề thuyên giảm, đặc biệt là các vụ giết người bán xác chết đang gia tăng.

Cũng có một số lý do khác khiến các “đám cưới ma” ngày càng phổ biến. Tại một số huyện của Trung Quốc, chẳng hạn như Sơn Tây, nơi những vụ giết người mới nhất bị cáo buộc, số lượng những người đàn ông trẻ, chưa lập gia đình làm việc tại các mỏ than, nơi có tỷ lệ tử vong rất cao.

Vì vậy, tại đây, nhu cầu về “đám cưới ma” tăng lên bởi nó được xem như là hình thức bồi thường tình cảm cho những người đã làm việc vất vả để nuôi sống gia đình.

Bên cạnh đó thì tỷ lệ giới tính ở Trung Quốc là một trong những nguyên nhân quan trọng. Mất cân bằng giới tính đã khiến tình trạng nhiều người đàn ông không thể kết hôn, năm 2014 kết quả điều tra dân số cho thấy khoảng 115,9 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái.

Trong khi đó, về văn hóa, nhiều người Trung Quốc tin rằng, thật bất hạnh nếu mong muốn của người đã khuất không được thực hiện, vì thế, “đám cưới ma” là một cách để làm yên lòng người đã chết.