Trung Quốc kỷ niệm ngày mở màn "kháng chiến chống Nhật Bản"

ANTĐ - Hơn 1.000 khách mời đặc biệt, bao gồm các quan chức hàng đầu, các cựu chiến binh và học sinh đã cùng tham gia lễ kỉ niệm này như một bước đánh dấu sự mở màn của cuộc kháng chiến chống Nhật năm 1937

Ở Trung Quốc, lễ kỷ niệm 77 năm sự kiện cầu Lư Câu là sự kiện hiếm khi trở thành lễ tưởng niệm trên truyền hình quốc gia, hay có sự xuất hiện của một vị lãnh đạo cao nhất Trung Quốc như ông Tập Cận Bình. Nhưng vào hôm 7/7, hơn 1.000 khách mời đặc biệt, bao gồm các quan chức hàng đầu, các cựu chiến binh và học sinh đã cùng tham gia lễ kỉ niệm này như một bước đánh dấu sự mở màn của cuộc kháng chiến chống Nhật năm 1937.

"Chúng ta có mặt trong buổi lễ lớn này là để ghi nhớ lịch sử, tưởng nhớ các liệt sĩ, trân trọng hòa bình và cùng hướng tới tương lai", ông Tập Cận Bình cho biết trong một bài phát biểu bên ngoài Bảo tàng kháng chiến chống Nhật. Đồng thời, ông cũng ngầm chỉ trích Nhật Bản khi nói đến một "nhóm nhỏ những người đã quên đi lịch sử thép" và “tạo ra căng thẳng trong khu vực". Hàng chục học sinh sau đó đã cùng hô vang một lời thề "không quên sự xấu hổ của quốc gia".

Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết người dân Trung Quốc sẽ phản đối bất cứ ai cố gắng viết lại lịch sử


Trong quá khứ, sự kiện cầu Lư Câu tháng 7 ít được quan tâm, tổ chức kỷ niệm. Năm 2013, một tin vắn phát trên truyền hình nhà nước dài hai phút vào ngày này, quay cảnh địa phương tổ chức đặt vòng hoa trên cầu Lư Câu để tưởng nhớ những người đã ngã xuống.

Năm nay, truyền hình nhà nước Trung Quốc dành 90 phút cho sự kiện này như một lễ tưởng niệm cấp quốc gia. Thông qua những động thái này, dường như Bắc Kinh đang gây áp lực lên Tokyo phải xin lỗi đối những hành vi chiến tranh, bao gồm cả việc sử dụng phụ nữ làm “nô lệ tình dục thời chiến” và cuộc thảm sát Nam Kinh năm 1937.

Công dân Trung Quốc tập trung vào hôm 7/7 để tưởng nhớ các nạn nhân chiến tranh


Trong khi đó, tại Đài Loan, hàng chục người biểu tình hô khẩu hiệu và xé cờ của quân đội Nhật, và đốt cháy hình ảnh của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe với dòng chữ Trung Quốc “đáng xấu hổ” ghi trên đó.

Hiện tại hai nước đang vướng vào các tranh chấp trong khu vực. Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền trên một chuỗi các hòn đảo nhỏ trên biển Hoa Đông, được gọi là Điếu Ngư ở Trung Quốc và Senkaku ở Nhật Bản. Căng thẳng giữa hai quốc gia càng lên cao khi tuần trước, Nhật Bản đã diễn giải lại hiến pháp, tạo điều kiện cho quân đội chính phủ có thể tham chiến ở nước ngoài nếu có xung đột xảy ra.

Lễ tưởng niệm hôm 7/7 là chủ đề hàng đầu trong các cuộc trò chuyện của  hàng triệu người trên Weibo - diễn đàn internet hàng đầu Trung Quốc, thường được so sánh với Twitter.

"Đây là một sự sỉ nhục quốc gia mà chúng tôi không bao giờ có thể quên", trích dẫn một lời nhận xét điển hình. "Tình hữu nghị Trung - Nhật là cái gì? Nó sẽ luôn ăn tươi nuốt sống con người. Tại sao phải thân thiện với kẻ thù của mình?"

Trong số hàng ngàn bình luận trực tuyến, chỉ có một số ít người đặt câu hỏi về mục đích của lễ tưởng niệm trên truyền hình. "Hãy nhìn những gì chính phủ đã làm dấy lên trong nhân dân? Tức giận sẽ tạo ra một mục đích chính trị xấu, điều này sẽ chỉ làm cho mọi việc tồi tệ hơn", một số người bày tỏ sự bất đồng.