Trung Quốc “dọn dẹp” yếu tố nước ngoài quanh các công trình quân sự

ANTĐ - Phiên bế mạc kỳ họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc lần thứ 12 đã biểu quyết thông qua quyết định về việc sửa đổi “Luật bảo vệ công trình quân sự”. 

Đứng trước vấn đề môi trường an ninh xung quanh các công trình quân sự đang ngày một xấu đi, nhiều công trình có yếu tố nước ngoài mọc lên cạnh căn cứ quân sự khiến chính phủ Trung Quốc phải bỏ ra nguồn ngân sách khổng lồ để mua lại, phá dỡ.

Trước thực trạng này, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã tiến hành sửa đổi luật bảo vệ công trình quân sự và được thông qua tại kỳ họp thứ 9 của ủy ban này.

Luật sau khi sửa đổi tập trung hoàn thiện các quy định hài hòa giữa xây dựng kinh tế xã hội và bảo vệ công trình quân sự, xác định rõ tiêu chuẩn hoạch định khu vực bảo vệ công trình quân sự, tăng cường hoàn thiện các biện pháp bảo vệ công trình quân sự.

Mấy năm gần đây, Bộ tổng tham mưu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cùng các ban ngành có liên quan của quân đội nước này đã thành lập “ổ kiểm tra liên ngành”, tiến hành rà soát việc chấp hành luật bảo vệ công trình quân sự tại hơn 20 tỉnh thành và khu vực, phát hiện thấy rất nhiều vấn đề nổi cộm.

Thực trạng nổi lên một số vấn đề quan trọng như: Môi trường an ninh công trình quân sự rất xấu, môi trường trên không ở các sân bay quân dụng bị xâm hại nghiêm trọng, tình hình bảo vệ môi trường điện từ quanh các công trình vô tuyến điện rất kém, điều kiện an ninh tại các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vũ khí rất đáng lo ngại.

Một căn cứ không quân Trung Quốc

Một nhân viên công tác tại một sân bay quân dụng thuộc Quân khu Thẩm Dương của Trung Quốc không giấu được sự lo lắng trước việc môi trường vùng trời sân bay này đang đối mặt với tình hình vô cùng nghiêm trọng.

Đó là việc, khu vực xung quanh sân bay quân dụng Thẩm Dương, dân cư đông đúc, nhà ở, khu thương mại, văn phòng tương đối nhiều. Cùng với sự phát triển kinh tế, quy mô xây dựng ở thành thị cũng ngày càng lớn, công trình kiến trúc phát triển theo hướng càng ngày càng cao, sân bay dần dần bị thành phố “bao vây”.

Được biết, trong phạm vi kiểm soát an ninh thuộc vùng cấm quân sự tại một căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam có nhiều biệt thự, trụ sở của nước ngoài xây dựng trái phép, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của căn cứ hải quân này.

Mối nguy hại này đã khiến chính phủ Trung Quốc phải bỏ ra mấy trăm triệu nhân dân tệ cho việc mua lại, phá dỡ gây nên thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế. Nhưng hiện nay, tại cảng quân sự này vẫn thấy rất nhiều khách sạn cao tầng hiện diện trong tầm nhìn thấy, khiến cho mối nguy hiểm về an ninh vẫn còn tồn tại.

“Luật bảo vệ công trình quân sự” sau sửa đổi không chỉ làm rõ định nghĩa vùng cấm quân sự và khu quân sự quản lý, mà còn đưa ra quy định, trong khu vực bảo vệ vùng trời sân bay quân dụng, cấm thi công các công trình xây dựng, công trình kết cấu và các công trình khác vượt quá tiêu chuẩn vùng trời sân bay, không được tiến hành các hoạt động làm ảnh hưởng đến an toàn bay và hiệu suất sử dụng công trình hỗ trợ bay.

Căn cứ tàu ngầm ở vịnh Á Long - Tam Á trên đảo Hải Nam - Trung Quốc

Về vấn đề chi tiết hóa hơn nữa các biện pháp bảo vệ, các chuyên gia liên quan cho biết, luật bảo vệ công trình quân sự sau sửa đổi đã hoàn thiện phạm vi, cơ chế và biện pháp bảo vệ, có tính toàn diện, tính mục đích và có tính khả thi cao.

Luật bảo vệ công trình quân sự sau sửa đổi quy định, các tổ chức và cá nhân có cống hiến to lớn trong công tác bảo vệ công trình quân sự sẽ được biểu dương và khen thưởng.

Điểm đáng chú ý là luật sau sửa đổi còn đề ra quy định, công nhân viên chức nhà nước trong công tác bảo vệ cơ sở quân sự lơ là nhiệm vụ, lạm dụng quyền hành, câu kết phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật; nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt.

Luật bảo vệ công trình quân sự sau sửa đổi chỉ rõ, nơi nào không có các công trình quân sự, các tổ chức quân sự và chính quyền nhân dân địa phương cấp huyện trở lên cần thiết lập cơ chế điều tiết bảo vệ công trình quân sự địa phương, phối hợp lẫn nhau, thực hiện công tác bảo vệ giám sát kiểm tra công trình quân sự

Một động thái cho thấy sự quyết liệt của chính phủ Trung Quốc là trong phiên họp vừa qua, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua quyết định “trảm” Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Xây dựng thành thị - nông thôn của ông Khương Vĩ Tân, bổ nhiệm ông Trần Chính Cao lên thay thế.