Trung Quốc đào sâu “hố” giàu nghèo

ANTĐ - Tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhưng không đồng đều giữa các vùng miền tại Trung Quốc đã khiến mức chênh lệch giàu nghèo ở quốc gia này ngày càng đáng báo động.

Một gia đình ở khu ổ chuột Thủ đô Bắc Kinh

Một báo cáo của Đại học Bắc Kinh công bố ngày 25-7 đưa ra những con số báo động về khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Trung Quốc. Dựa trên số liệu thu thập năm 2012, báo cáo cho biết 1% các gia đình giàu có nhất ở Trung Quốc hiện sở hữu tới hơn 1/3 giá trị tài sản của toàn bộ đất nước. Trong khi đó, tổng giá trị tài sản của 25% các gia đình nghèo nhất chỉ chiếm 1%. 

Sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc trong hơn 3 thập kỷ vừa qua đã đưa số triệu phú và tỷ phú ở nước này tăng đột biến. Những người giàu tại Trung Quốc giờ đây mua vàng, sắm đồ xa xỉ, xe hơi đắt tiền và các biệt thự. Họ cũng sẵn sàng chấp nhận những mức giá cắt cổ cho các thú vui của bản thân, sẵn sàng chi tiền cho con cái ra nước ngoài du học. Nhiều nhà kinh doanh xe hơi phải choáng váng khi thấy giới nhà giàu thay xe như thay tất.

Thế nhưng ở thái cực ngược lại, những người nghèo lại đang oằn lưng với gánh nặng nợ nần, học phí cho con cái và tiền tiết kiệm lúc về hưu. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2012, Trung Quốc có gần 100 triệu nông dân sống trong cảnh nghèo đói. Tại các tỉnh nghèo ở nước này, hàng ngày nhiều trẻ em phải mất hai đến ba tiếng để đi đến trường. Các chi phí y tế tại đây chiếm 60% mức thu nhập trung bình của người dân tại các vùng nông thôn, do vậy nhiều người dân đã không thể đi khám bệnh khi ốm đau. 

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc tăng nhanh nhất châu Á trong 2 thập kỷ qua. Báo cáo thống kê của Đại học Bắc Kinh cho biết hệ số phân phối lợi tức (Gini) đối với các hộ gia đình ở Trung Quốc trong năm 2012 đã vọt lên mức cao 0,73 (Mức cao nhất trên thang đo chỉ số Gini là 1, phản ảnh sự bất bình đẳng hoàn toàn). Trong khi đó, con số tương ứng trong số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc chỉ là 0,47 năm 2012, gần bằng hệ số của Mỹ (0,56). Tuy nhiên, ít ai tin vào con số thống kê chính thức mà chính phủ đưa ra. 

Sự mất cân đối giàu – nghèo đang tạo ra những thách thức lớn với Trung Quốc. Tại một buổi hội thảo kinh tế tại đại học Bắc Kinh, ông Justin Lin, cựu kinh tế gia trưởng của WB khẳng định sự suy giảm sức tiêu dùng nội địa của Trung Quốc một phần xuất phát từ chính sự mất cân bằng trong phân phối thu nhập. Điều này lại dẫn đến hệ quả là tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có nguy cơ sụt giảm. Trước những năm 1990, mức tiêu dùng của các hộ gia đình đóng góp 70% vào GDP. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 35%. 

Chênh lệch giàu - nghèo quá mức cũng cho thấy căn bệnh tham nhũng nặng nề ở Trung Quốc. Việc tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước, tình trạng biến đất nông nghiệp thành đất công nghiệp và sự bùng nổ xây dựng đã đem lại nhiều cơ hội để cá nhân làm giàu bất chính. Nó tạo ra một tầng lớp người giàu, khiến xã hội bất bình. Điều đó giải thích tại sao số các vụ biểu tình, bạo động tại Trung Quốc trong những năm gần đây ngày một nhiều, khiến chính phủ nước này phải đau đầu tìm biện pháp cải thiện. Tăng trưởng nhanh nhưng không kiểm soát được hố ngăn cách giàu – nghèo đang là bài toàn lớn với Trung Quốc.