Trung Quốc có thể hiệu chỉnh chính sách “Zero Covid”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trung Quốc có khả năng hiệu chỉnh lại chính sách phòng, chống đại dịch Covid-19 khi nước này phải đối mặt với đợt bùng phát virus nghiêm trọng nhất trên toàn quốc kể từ năm 2020 với sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao.
Trung Quốc chỉ điều chỉnh các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt sau khi xem xét các điều kiện tổng thể

Trung Quốc chỉ điều chỉnh các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt sau khi xem xét các điều kiện tổng thể

Ở nhiều quốc gia, các đợt dịch Covid-19 lan rộng liên quan đến biến thể Omicron đã dẫn đến thay đổi chính sách xóa bỏ triệt để virus SARS-CoV-2. Nhưng Trung Quốc tỏ ra kiên quyết với chính sách “giữ cho số ca mắc càng thấp càng tốt” bất chấp các ca nhiễm trong tháng 3 này đang gia tăng mạnh. Trước diễn biến dịch gia tăng, nhà chức trách đã đặt “Thung lũng Silicon của Trung Quốc” Thâm Quyến vào lệnh phong tỏa một tuần sau khi thành phố ghi nhận 75 ca nhiễm mới hôm 13-3. Tỉnh Cát Lâm ở miền Đông Bắc, tâm điểm của đợt bùng phát mới, cũng đã đặt ra những hạn chế mới đối với hàng triệu cư dân.

Thực tế, chính sách “Zero Covid” khuyến khích các quan chức tăng cường các biện pháp cực đoan, bỏ qua các hệ quả về kinh tế và con người khác. Tại tỉnh Cát Lâm, nơi biến thể Omicron bị ảnh hưởng nặng nề nhất, 16 quan chức đã bị kỷ luật vì không triển khai hiệu quả biện pháp ngăn chặn Covid-19, điều này cho thấy rõ việc thực hiện mục tiêu chống dịch được đặt ưu tiên hàng đầu. Chiến lược phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc phần lớn đã thành công, với số liệu thống kê chưa đầy 5.000 ca tử vong, trong khi gần 1 triệu người chết ở Mỹ. Nhưng chính sách này cũng đang đối mặt với sự thất vọng và mệt mỏi ngày càng tăng từ người dân, bởi họ cảm thấy phải hy sinh quyền riêng tư và lệnh phong tỏa giai đoạn này gây thiệt hại nhiều hơn là lợi ích với người hoạt động kinh doanh nhỏ hay người lao động.

Tuy nhiên, những người ủng hộ chính sách “không Covid” cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp của Trung Quốc ở những người trên 80 tuổi là lý do để cần tiếp tục áp dụng các quy định khắt khe, đặc biệt là trong bối cảnh ở Hồng Kông, do tỷ lệ tiêm chủng thấp ở người cao tuổi mà đã có hàng nghìn ca tử vong chỉ riêng trong tháng 3-2022. Còn ở đại lục, chỉ khoảng một nửa trong số những người trên 80 tuổi đã được tiêm 2 liều

vaccine, trong khi chỉ 20% đã được tiêm mũi thứ ba nhắc lại, thấp hơn so với tỷ lệ tiêm chủng khoảng 85% cho toàn bộ dân số Trung Quốc. Ngoài ra, nước này chỉ sử dụng vaccine do các công ty Trung Quốc Sinovac và Sinopharm sản xuất, mà nghiên cứu sơ bộ cho thấy chúng kém hiệu quả hơn so với vaccine mRNA trong việc chống lại biến thể Omicron. Đó là một số thách thức cần vượt qua trước khi Trung Quốc có thể nới lỏng các hạn chế hoặc mở rộng biên giới của mình, cho dù các quốc gia trên thế giới đang bắt đầu làm như vậy để cố gắng sống chung với đại dịch.

Mặc dù, đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ đảo ngược hoàn toàn chính sách này, nhưng Trung Quốc đã chuyển sang điều chỉnh một số biện pháp, chẳng hạn như cho phép các trường hợp nhẹ tự hồi phục tại nhà thay vì bắt buộc phải đến bệnh viện. Thủ tướng Lý Khắc Cường trong tháng 3 này nói rằng, các quy tắc chống dịch có thể được “tinh chỉnh”, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình vào tuần trước tuyên bố sẽ giảm tác động kinh tế của các biện pháp ngăn chặn đại dịch.

Nhưng Trung Quốc sẽ không sớm thay đổi chiến lược “Zero-Covid” của mình, như các quan chức đã nói rõ. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Nhà nước CCTV hôm 20-2, ông Liang Wannian, người đứng đầu nhóm chuyên gia dẫn đầu công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 của Trung Quốc, cho biết nước này chỉ điều chỉnh các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của mình sau khi xem xét các điều kiện tổng thể trong và ngoài nước. Các điều kiện đó bao gồm: có các công cụ tốt hơn để chống lại virus, sự phổ biến của một chủng ít nguy hiểm hơn và đại dịch đang trở nên ít nghiêm trọng hơn ở nước ngoài. Ông Liang cho hay, Trung Quốc sẽ xem xét tổng thể về mức độ tác hại có thể nếu thay đổi chiến lược chống đại dịch hoặc trở lại trạng thái bình thường.