Lý giải Trung Quốc không ưu tiên xét nghiệm kháng nguyên nhanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi các nước phương Tây bắt đầu phân phát các xét nghiệm kháng nguyên nhanh miễn phí cho người dân, Trung Quốc giữ nguyên quan điểm xét nghiệm PCR vẫn là “tiêu chuẩn vàng”, mục tiêu là duy trì chiến lược “zero Covid”.
Mặc dù Trung Quốc là nước hàng đầu về sản xuất các bộ xét nghiệm nhanh nhưng họ không muốn sử dụng vì lo ngại độ chính xác

Mặc dù Trung Quốc là nước hàng đầu về sản xuất các bộ xét nghiệm nhanh nhưng họ không muốn sử dụng vì lo ngại độ chính xác

Mục tiêu là chiến lược “zero-Covid”

Khi biến thể Omicron tiếp tục phổ biến trên khắp thế giới, nhu cầu về các xét nghiệm kháng nguyên nhanh để chẩn đoán Covid-19 cũng tăng lên. Tháng 1-2022, Nhà Trắng thông báo người Mỹ sẽ có thể bắt đầu đăng ký kít xét nghiệm miễn phí vào ngày 19-1, vì Washington đã mua 1 tỷ bộ trong tháng này. Trong khi các nước phương Tây đang dựa vào bộ xét nghiệm nhanh như một giải pháp thay thế cho hệ thống xét nghiệm PCR thường quá tải của họ, thì Trung Quốc vẫn là một trong số ít quốc gia hầu như chỉ dựa vào xét nghiệm PCR để xác định các trường hợp dướng tính Covid-19. Đáng nói, mặc dù nhiều bộ xét nghiệm nhanh sản xuất tại Trung Quốc chưa được phê duyệt trong nước, nhưng báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho thấy ít nhất 10 loại sản xuất tại Trung Quốc đã được phê duyệt ở các nước như Mỹ, Anh, Đức, Canada và Hy Lạp. Họ là một trong những nhà cung cấp kit xét nghiệm hàng đầu toàn cầu.

Một số chuyên gia cho rằng lý do khiến Trung Quốc không bắt đầu triển khai xét nghiệm nhanh trên quy mô lớn là do nước này kiên trì thực thi chiến lược “zero-Covid”. Các xét nghiệm PCR tìm kiếm vật chất di truyền của virus như axit nucleic hoặc RNA trong khi bộ xét nghiệm nhanh tìm kiếm các mảnh protein bị nhiễm virus. Các xét nghiệm PCR thường chính xác hơn, do xét nghiệm kháng nguyên cần nồng độ virus cao hơn để cho kết quả dương tính.

Theo bà Mei-Shang Ho, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Y sinh tại Academia Sinica ở Đài Loan (Trung Quốc), vì xét nghiệm kháng nguyên nhanh không nhạy cảm với lượng virus thấp, nên xét nghiệm PCR là phương pháp ưu tiên cho các quốc gia đề cao chiến lược xác định tất cả các trường hợp hiện có trong cộng đồng. “Đối với Trung Quốc, họ cần xác định tất cả những người bị nhiễm, bao gồm cả những người không có triệu chứng, vì vậy dựa vào các xét nghiệm PCR sẽ chính xác hơn để đạt được mục tiêu đó”, bà Mei-Shang Ho nói.

Sự xuất hiện của các biến thể Omicron cũng đặt ra những thách thức mới đối với độ chính xác của bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Theo ông Chunhuei Chi, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe toàn cầu tại Đại học bang Oregon, Mỹ, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, do biến thể Omicron có thể tập trung nhiều hơn xung quanh cổ họng hoặc miệng của bệnh nhân trong thời gian đầu, nên nếu lấy mẫu từ mũi, độ nhạy của bộ kít xét nghiệm có thể thấp hơn. “Nguyên nhân thực sự của điều này vẫn chưa được xác định, nhưng chúng tôi biết rằng xét nghiệm kháng nguyên kém chính xác hơn khi đối mặt với các biến thể Omicron”, ông Chunhuei Chi nói.

Không có thị trường cho xét nghiệm kháng nguyên nhanh

Trong khi đó, các quốc gia đang sử dụng một lượng lớn bộ xét nghiệm nhanh đã chuyển mục tiêu của các biện pháp kiểm soát đại dịch sang ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong. Ông Chunhuei Chi giải thích: “Nếu mục tiêu là ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong, cũng như để các bệnh viện không bị quá tải, thì các quốc gia này không cần quan tâm quá nhiều đến độ chính xác của các xét nghiệm. Điều họ quan tâm là ngăn chặn số ca lây nhiễm vượt ngoài tầm kiểm soát”.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ China News Weekly của Trung Quốc, Bo-lin Tang, Giám đốc kinh doanh của Ningbo Dasky Life Science, cho biết, một trong những lý do khiến bộ kít xét nghiệm phát triển chậm ở Trung Quốc là do hầu như không có thị trường. “Vì xét nghiệm PCR được coi là “tiêu chuẩn vàng” ở Trung Quốc và năng lực xét nghiệm của nước này có thể theo kịp, nên không có chỗ cho xét nghiệm kháng nguyên nhanh”, ông Bo-lin Tang nói.

Một giải pháp kết hợp các lợi ích của cả 2 loại xét nghiệm có thể đang được áp dụng cho các công dân Trung Quốc. Trong một nghiên cứu được bình duyệt được công bố trên tạp chí Nature Biomedical Engineering hôm 14-2, các nhà khoa học Trung Quốc từ Đại học Phúc Đán, Thượng Hải cho biết họ đã phát triển một xét nghiệm Covid-19 có thể xử lý kết quả chính xác như xét nghiệm PCR trong vòng chưa đầy 4 phút. Tuy nhiên, vì nghiên cứu được thực hiện trên một mẫu nhỏ, chuyên gia Andrew Ching của Đại học Johns Hopkins cho rằng nó sẽ chỉ tạo ra sự khác biệt lớn nếu tỷ lệ chính xác 100% ở phạm vi xét nghiệm lớn hơn.

Chừng nào Trung Quốc duy trì chiến lược “zero-Covid”, khó có khả năng Bắc Kinh sử dụng kít xét nghiệm kháng nguyên trên quy mô rộng rãi. Lý do vì các xét nghiệm kháng nguyên không quá nhạy cảm với lượng virus thấp, nên các trường hợp âm tính giả có thể đe dọa đến chiến lược “zero-Covid” của nước này.