Báo chí quốc tế bình luận:

Trung Quốc chưa bao giờ nỗ lực giải quyết vấn đề Biển Đông

ANTĐ - Mới đây, Trung Quốc phát hành bản đồ dọc phi lý bị nhiều nước, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Philippines và Mỹ phản đối, lên án gay gắt. Bản đồ gồm 10 đoạn, nuốt trọn gần hết biển Đông và cả bang Arunachal Pradesh mà Ấn Độ tuyến bố chủ quyền.

Trong bài phân tích của Tiến sĩ Subhash Kapila trên Eurasia Review ngày 27-6 nhận định: 
Trung Quốc chưa bao giờ nỗ lực giải quyết vấn đề Biển Đông

Ngày 28-6, trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari đang ở thăm Trung Quốc đã nêu rõ thái độ quan ngại của New Delhi về vụ tấm bản đồ lãnh thổ của Trung Quốc bao gồm cả vùng Arunachal Pradesh mà Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền. Quốc vụ khanh đặc trách Ngoại giao Ấn Độ - Sujata Singh đã xác nhận rằng, đối với lãnh đạo ngoại giao Ấn Độ: “Một phác thảo trên bản đồ không thể hiện thực tế hiện trường” và Ấn Độ luôn chống lại các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng Arunachal Pradesh. 

Hãng thông tấn Zee News cho hay Thủ hiến bang Arunachal Pradesh, ông Nabam Tuki khẳng định chính quyền bang này phản đối và lên án hành động của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi chính quyền Trung ương đối thoại với Trung Quốc nhằm tìm kiếm một giải pháp. Việc Trung Quốc công bố tấm bản đồ gây tranh cãi lại diễn ra trong thời điểm Phó Tổng thống Ấn Độ Ansari đang ở thăm Trung Quốc nhằm kỷ niệm 60 năm ký Hiệp định Panchasheel về 5 nguyên tắc chung sống hoà bình.

Hãng tin Reuters bình luận, trước các hành động gần đây của Trung Quốc trên thực tế, châu Á khó mà có lòng tin vào ý định hoặc tuyên bố của Trung Quốc là thực sự mong muốn hòa bình.

Trong bài báo trên South China Morning Post của Hong Kong ngày 29-6, học giả gốc Trung Quốc - Phó giáo sư Li Mingjiang của Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore nói rằng, Trung Quốc rất muốn xóa bỏ hình ảnh hung hăng của mình, nhưng không thuyết phục được các nước láng giềng.

Trên Eurasia Review ngày 27-6 đăng phân tích của Tiến sĩ Subhash Kapila - thuộc Nhóm phân tích Nam Á (SAAG), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Ấn Độ - cho rằng, sở dĩ Biển Đông bùng nổ thành điểm nóng ở châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21 là do bắt nguồn từ hành vi Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa (năm 1974) và một phần quần đảo Trường Sa (năm 1988) của Việt Nam.

Để lấp liếm cho hành động ngang ngược, vi phạm luật pháp quốc tế này, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách “chủ quyền từ thời cổ đại” đối với 2 quần đảo trên. Nhưng cho đến thời điểm này, họ vẫn không đưa ra được bất kỳ lời giải thích thỏa đáng nào.

Rõ ràng khi tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, Trung Quốc đang nhằm mục đích đồng bộ hóa tham vọng nổi lên như một cường quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Thôn tính Hoàng Sa và tiếp theo là Trường Sa, bước mở đường để thực hiện ý đồ “gặm nhấm Biển Đông”.

Bất chấp những nỗ lực giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, tránh vũ lực, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng yêu sách đường lưỡi bò của họ mà cho đến nay vẫn không có tọa độ chính xác. 

Quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông phải đối mặt với khó khăn thực tế rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ có một phần nỗ lực giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, bởi tính toán chiến lược của họ là sau khi thôn tính được Hoàng Sa, Trường Sa sẽ thống trị hiệu quả toàn bộ Biển Đông. Các hoạt động xâm lược mang tính khiêu khích bên miệng hố chiến tranh của Trung Quốc xung quanh Hoàng Sa, Trường Sa vẫn tiếp tục không ngừng.

Chính những điều này đã tạo nên chiến lược chống lại (sự bành trướng, khiêu khích của) Trung Quốc trong các nước láng giềng. Căng thẳng Biển Đông không chỉ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng mà còn giữa Trung Quốc với Mỹ khi Washington xem tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích quốc gia. Mỹ đã có kế hoạch quân sự dự phòng tại chỗ để đối phó với bất kỳ xung đột vũ trang nào trên Biển Đông.

Đồng quan điểm này, Bộ trưởng truyền thông Australia Malcolm Turnbull nhấn mạnh: “Những chính sách mà Trung Quốc đang thực hiện sẽ chỉ gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn. Họ sử dụng sức mạnh cơ bắp với một vài hoặc tất cả các láng giềng của họ ở những thời điểm khác nhau” - Wall Street Journal dẫn lời. Ông Turnbull cũng cảnh báo, nếu căng thẳng trên Biển Đông bùng nổ thành xung đột thì tất cả các bên đều sẽ bị ảnh hưởng nhưng Trung Quốc sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề hơn.

Trung Quốc đã chọn Biển Đông để gây hấn vì nghĩ rằng mình có thể “làm mưa làm gió” tại đây. Tuy nhiên, đó là một sai lầm. Diễn giả chính của Hội thảo “Tình hình an ninh tại Đông Nam Á và khu vực Biển Đông” do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM) tổ chức ngày 25-6, Giáo sư Rommel Banlaoi - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia của Philippines (CINNS) phân tích: Tình hình ngày càng đáng báo động khi Trung Quốc tiến hành hàng loạt các động thái gây bất ổn tại khu vực Biển Đông. 

Trong bài phân tích, Giáo sư Banlaoi cũng chỉ rõ là sự phản đối của Việt Nam vượt ngoài dự tính của Trung Quốc. Tinh thần yêu nước cùng với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của người Việt Nam lan rộng khắp cả nước và ngày càng trở nên mạnh mẽ. Thực tế đã chứng minh rằng Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, Trung Quốc cần phải hiểu điều này.

Ngày 30-6, tờ Manila Standard Today của Philippines cũng đã đăng bài bình luận cảnh báo về các động thái bành trướng liên tục của Bắc Kinh ở Biển Đông. Bài bình luận khẳng định thách thức từ đường lưỡi bò của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực đã quá rõ ràng nên họ cũng phải có hành động ứng phó cụ thể. Bài báo đưa ra đề xuất các quốc gia bị ảnh hưởng phải lên tiếng phản đối bằng mọi cách có thể, chẳng hạn như kiện tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ra tòa án quốc tế, tương tự Philippines, để buộc Bắc Kinh phải lùi bước.

Còn tờ Bangkok Post đăng bài “Trung Quốc cần đàm phán”, nhận định: Phương pháp tiêu chuẩn của Trung Quốc để giải quyết những bất đồng chỉ đơn giản là bác bỏ những tuyên bố của các nước khác, từ chối thảo luận về những tranh chấp và nếu cần thiết, sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, trong bối cảnh “tiềm ẩn nguy cơ đụng độ khốc liệt giữa lực lượng quân đội Trung Quốc và các nước khác”, Trung Quốc cần phải chuyển ngoại giao giàn khoan cứng rắn sang những cuộc đàm phán thực sự. Bằng cách tham gia các cuộc đàm phán với ASEAN và các thành viên của ASEAN, Trung Quốc có thể giải quyết tranh chấp một cách thỏa đáng hơn.