Tàu tuần tiễu lớp Hamilton thứ 2 hành trình về Philippines.

Trung Quốc bám sát hành trình của "đối thủ số 1" về biển Đông

ANTĐ - Thời gian qua, nhất cử nhất động của 2 tàu chiến lớp Hamilton mà Philippines mua lại của Mỹ đều được Trung Quốc theo dõi rất sát sao. Họ cho rằng, đây là đối thủ số 1 của Trung Quốc trong tương lai khi tranh chấp trên biển Đông trở nên căng thẳng.

“Thời báo Hoàn Cầu” dẫn nguồn tin của tờ “Philippines Daily Inquirer” ngày 11/06 cho biết, chiếc tàu chiến thứ 2 lớp Hamilton mà Philippines mua lại của Mỹ đã bắt đầu nhổ neo, hành trình từ cảng Charleston, bang Bắc Carolina về Philippines. Đại sứ quán Philippines tại Washington chiều 10/06 đã ra thông báo: “BRP Ramon Alcaraz đã chuẩn bị bắt đầu lên đường về Philippines, chúc con tàu thuận buồm xuôi gió”.

PF-16 BRP Ramon Alcaraz là chiếc thứ 2 thuộc lớp Gregorio del Pilar (nguyên là chiến hạm mang tên Dallas thuộc lớp tàu tuần tiễu ven bờ Hamilton của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ), được Mỹ bán lại cho Philippines sau khi chúng chính thức nghỉ hưu, chiếc đầu tiên thuộc lớp này đã về Philippines là BRP Del Pilar (PF-15), chiếc thứ 2 dự kiến sẽ về Philippines vào đầu tháng 8.

Tàu hộ vệ thứ nhất lớp Hamilton mang tên BRP Del Pilar (PF-15)


Tuy là tàu tuần tiễu cũ của Mỹ nhưng các tàu chiến lớp Hamilton này có kích thước và lượng giãn nước chẳng kém gì các tàu hộ vệ cỡ lớn. Con tàu trị giá 151,5 triệu USD này có lượng giãn nước 3250 tấn, chiều dài 378 feet (hơn 115,21m), rộng 13,1m, mớn nước 6,07m, biên chế 167 thủy thủ và nhân viên.

Trước đây lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã từng sử dụng các tàu loại này làm nhiệm vụ phá băng nên đặc điểm nổi bật nhất của loại tàu chiến này là hệ thống động lực rất khỏe. Các tàu loại này có thể hành trình liên tục 14.400km mà không cần bổ sung, tiếp tế. Chi phí tân trang mỗi con tàu này thành tàu hộ vệ là 15,5 triệu USD.

Khinh hạm lớp Hamilton thứ 2 mang tên BRP Ramon Alcaraz (PF-16)

Do là tàu tuần tiễu ven bờ thế hệ cũ của Mỹ nên vũ khí, trang bị của lớp tàu này khá nghèo nàn với một pháo bắn nhanh 76mm, một hệ thống phòng không tầm gần Phalanx 20mm, hai bệ pháo tự động MK-38 Bushmaster 25mm, đảm bảo cho tàu có 1 khả năng tác chiến nhất định.

Điểm quan trọng là sau khi cải tạo, nâng cấp, các tàu lớp Gregorio del Pilar sẽ được kết nối thông tin với hải quân Mỹ, thuận tiện cho phối hợp tác chiến và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hải quân Mỹ trong hoạt động thu thập thông tin về tài nguyên thiên nhiên và các số liệu đại dương ở khu vực biển Đông.

2 tàu chiến lớp Gregorio del Pilar sẽ trở thành nòng cốt trong lực lượng hải quân Philippines.


Chiếc đầu tiên trong lớp tàu Hamilton BRP Del Pilar (PF-15) đã được bàn giao cho Philippines vào tháng 12 năm ngoái. Đích thân Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã đến tham dự lễ ra mắt và tuyên bố sẽ triển khai tàu chiến đến bảo vệ chủ quyền của Philippines ở khu vực biển phía Tây (tức Biển Đông).

Báo chí Philippines cho biết, 2 tàu chiến loại này là các tàu “lớn nhất và hiện đại nhất”, là nòng cốt trong lực lượng hải quân nước này. Hiện nay, có một số thông tin cho biết, các tàu chiến loại này sẽ được trang bị thêm tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon của Mỹ. Nếu thông tin trên là chính xác thì năng lực tác chiến của 2 tàu này đã được nâng lên một tầm cao mới, giúp nó có khả năng đương đầu với các tàu chiến của Trung Quốc.

Trước đây Mỹ đã từng sử dụng tàu lớp Hamilton làm tàu phá băng


Tuy vậy, trong bài trả lời phỏng vấn của tờ “Thời báo Hoàn Cầu”, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lưu Giang Bình cho biết, hiện Philippines có tiềm lực quân sự, đặc biệt là về hải quân, yếu kém hơn rất nhiều so với các quốc gia xung quanh nên họ nỗ lực mua sắm và tân trang các tàu chiến cũ là điều dễ hiểu.

Ông cũng cho biết thêm, 2 tàu loại này tuy có lượng giãn nước lớn ngang tầm các tàu hộ vệ cỡ lớn và gấp gần 3 lần tàu hộ vệ mới nhất lớp 056 của Trung Quốc nhưng về trang bị, vũ khí của nó thì quá kém. Kể cả về số lượng và chất lượng, hải quân Philippines vẫn không phải đối thủ của hải quân Trung Quốc.