Trốn tránh nghĩa vụ trả nợ có thể bị phạt tù

ANTD.VN - Mượn thẻ tín dụng mua sắm rồi trốn trả tiền, có thể bị kiện và phạt tù...

Một lần tôi cho cô bạn mượn thẻ tín dụng để mua hàng nước ngoài qua mạng. Do một thời gian không dùng đến thẻ nên tôi cũng không theo dõi tài khoản này. Gần đây có việc phải dùng, tôi phát hiện tài khoản của mình bị mất hơn 100 triệu đồng và cô bạn này thừa nhận đã nhiều lần tự ý thanh toán qua mạng. Tôi đòi tiền thì cô bạn này lần lữa và cắt số điện thoại liên lạc. Hiện tại, tôi không biết cô bạn này đang ở đâu. Nếu tôi tố cáo sự việc ra pháp luật thì cô bạn của tôi có bị xử lý không?

Trần Văn Công (TP Nam Định, tỉnh Nam Định)

Theo chúng tôi, vụ việc của bạn được phân chia thành hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn thứ nhất là từ khi bạn cho người kia mượn thẻ tín dụng để sử dụng cho đến khi bạn phát hiện ra tài khoản của mình thiếu hụt số tiền lên tới 100 triệu đồng và yêu cầu người kia thanh toán.

Giả sử người này thanh toán cho bạn hoặc không thanh toán cho bạn nhưng người đó vẫn thừa nhận nợ, vẫn gặp gỡ bạn, vẫn ở lại địa phương để bạn có thể liên lạc bình thường thì đây chỉ là vụ việc dân sự. Bởi cho dù người đó không thanh toán cho bạn nhưng vì trước đây do bạn đã đồng ý để người này sử dụng thẻ của mình và không phải họ tự ý. Do đó, muốn đòi lại tiền, bạn cần phải khởi kiện dân sự tại Tòa án quận, huyện nơi người đó cư trú. 

Giai đoạn thứ hai được xác định là kể từ thời điểm bạn đòi lại tiền và người kia cắt số điện thoại liên lạc, đồng thời đi khỏi địa phương khiến bạn không thể tìm được. Việc làm này của người sử dụng thẻ tín dụng, tài khoản của bạn đã có dấu hiệu bỏ trốn để không phải trả lại tiền. Nếu đúng như vậy thì hành vi của người đó đã cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140-BLHS.

Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Theo đó, người nào có một trong những hành vi sau đây, chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Căn cứ vào quy định nêu trên có thể thấy, người bạn của bạn đã phạm vào điểm a khoản 1, Điều 140-BLHS. Bởi sau khi được bạn cho mượn thẻ tín dụng và đã sử dụng hết 100 triệu đồng thì bạn của bạn đã bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Điều này đồng nghĩa với việc mượn tài sản rồi bỏ trốn nhằm mục đích chiếm đoạt. Để lấy lại được tiền, bạn có thể tố cáo hành vi của cô ta đến cơ quan CSĐT công an quận, huyện nơi cô ta mua hàng qua mạng.