Trốn cỗ

ANTĐ - Ông bạn thân gọi điện cho tôi: “Này, ông có đi đám cưới con ông H không?”. Tôi trả lời: “Tôi đang định gửi ông đây...”. Ông bạn gắt nhẹ: “Tôi đang định gửi ông thì ông lại đòi gửi tôi!”. 

“Gửi” đây là gửi phong bì mừng cưới. 

Đây là việc bình thường, bởi mừng nhau bằng tiền ngẫm cho cùng chỉ là cái trách nhiệm qua lại, cái “nợ đồng lần”. Nhờ hình thức “tương trợ mềm” này mà nhiều đôi bạn trẻ vẫn có thể tổ chức lễ cưới trang trọng nơi khách sạn, nhà hàng. 

Dân ta có câu “ngon như cỗ cưới”, nhưng nó không còn đúng nơi thành phố nữa, dẫu đám cưới được tổ chức ở các khách sạn hạng sang, cỗ được làm bởi những đầu bếp chuyên nghiệp. Mỗi khi nhận được thiếp mời là tôi lại ngao ngán nghĩ tới cảnh phải xếp hàng đút “tấm lòng” vào “chiếc két hình trái tim” đặt ngay cửa hôn trường. Nhiều đám, không hiểu hai họ “hiệp thương” thế nào mà có tới… hai “két trái tim” ghi rõ nhà trai - nhà gái, đặt hai bên lối vào bắt quan khách phải tham gia vào trò chơi “Hãy chọn… két đúng”! Ông nào lơ mơ đãng trí là “gửi nhầm địa chỉ” như chơi. Cái nghĩa cử mừng cưới vốn ấm áp ân tình là thế bỗng trở nên lạnh lẽo kim tiền. Đi ăn cỗ cưới đa phần phải ngồi cùng bàn với những người xa lạ, tình cảm chưa đủ để cởi mở nói gì đến vui vẻ tưng bừng. Thức ăn ê hề gà cá tôm cua chả giò canh bóng… xanh đỏ tím vàng đã bày từ trước, đợi khách ngồi đủ mâm mới vội vã chế nước, châm cồn nên không tránh khỏi sự nguội lạnh, nhạt nhẽo. Gượng gạo uống, gượng gạo ăn trong tiếng loa với những câu sáo mòn muôn thuở: Hôm nay ngày lành tháng tốt, được sự nhất trí của hai cơ quan, gia đình và chính quyền… Rồi thì thơ. Thơ con cóc kiểu Chú rể xứng danh trai tài/ Cô dâu đích thực là người vợ ngoan… liên hồi tra tấn lỗ tai quan khách. Trong không khí ấy thì có ăn tiệc yến cũng thành dở. Thế nên hầu hết quan khách đều cố ngồi trong tình trạng nhấp nhổm đợi bố mẹ hai bên cùng cô dâu chú rể đến cụng ly một cái, bắt tay một cái, cười cười một cái để trình diện rồi… chuồn!

Đám cưới lần ấy cũng thế. Vì không ai chịu cho “gửi” nên cả hai chúng tôi đành phải đi taxi đến đám cưới, làm xong mọi “thủ tục” rồi… lỉnh. Đi ăn cỗ cưới về mà vẫn đói, chúng tôi ghé quán xì xụp bát phở. Ông bạn tỏ vẻ bức xúc rồi hùng hồn tuyên bố: “Tôi đã nghĩ rồi, tới đây cưới con, tôi sẽ không tổ chức tại nhà hàng làm khổ mọi người ông ạ!”. “Ý tưởng tốt! Hoan hô ông!”, tôi vỗ tay đồng tình. Ông bạn hứng chí: “Tôi sẽ học dân tây, tức là gửi thiếp báo hỷ qua email cho mọi người, còn tiệc mặn, tôi chỉ làm mấy mâm cúng ông bà và mời họ hàng, bạn bè thân thiết đến chứng kiến, chia vui, như thế vừa hiện đại, lịch sự, văn minh lại tiết kiệm, ông nhỉ?!”. “Ông đúng là nhà cách mạng đám cưới!”, tôi khen. Bạn tôi gật gù: “Có mỗi cái việc nhỏ ấy mà không làm được thì còn làm được cái gì nữa?”.

Vậy mà hôm nay ông bạn - “nhà cách mạng đám cưới” của tôi rầu rầu thông báo: “Ông ạ, kế hoạch của tôi… hỏng rồi!”. “Kế hoạch nào?”. “Thì… cái kế hoạch tổ chức đám cưới theo ý tưởng hiện đại ấy…”. 

Rồi bạn tôi khó nhọc giãi bày. Rằng anh vẫn kiên định với ý tưởng kia, nhưng mà khổ, cuộc “cách mạng đám cưới” đã gặp vô vàn gian khó. Vợ anh nước mắt ngắn dài sụt sịt, đời người chỉ có một lần, không cho con bằng bạn bằng bè, nó tủi thì bố mẹ cũng rầu ruột não lòng; mình đã đi bao nhiêu đám cưới, giờ cưới theo “kiểu của ông”, chả hóa ra mình lỗ à? Con trai anh thì thẳng thừng tuyên bố, nếu bố mẹ không tổ chức thì chúng con tự tổ chức lấy. Vốn là người gia trưởng, ông bạn tôi đã “dẹp yên” những đấu tranh đòi quyền lợi của vợ con. Nhưng ông sui gia vốn là lãnh đạo một sở đã ý nhị ngỏ lời đằng trai nên tạo điều kiện để bạn bè, đồng nghiệp, cán bộ nhân viên cơ quan ông có dịp “sẻ chia”… Đến nước này thì anh đành bất lực.

“Mình không tổ chức mà nhà gái vẫn tổ chức, rồi vợ con tôi đương nhiên sẽ hợp tác với nhà gái, như thế dù hình thức có khác đi nhưng bản chất vẫn không hề thay đổi…”. Và, để vớt vát chút thể diện, anh ngường ngượng nói với tôi: “Tuy đám cưới tổ chức ở nhà hàng, nhưng tôi cũng cố gắng chọn lọc, chỉ mời những người… như ông thôi”. Tôi méo miệng cười, trong đầu hiện lên hình ảnh hai chiếc “két trái tim”, những cái bắt tay hờ hững, những câu xã giao nhợt nhạt, những món ăn nguội lạnh… Nhưng tôi đã kịp giật mình trở về thực tại để động viên bạn: “À… ừ… ờ… Ông yên tâm, với đám cưới con ông thì tôi sẽ đến dự từ sớm, và ngồi đến cuối cùng. Tôi không trốn cỗ đâu mà lo!”.