Trôi nổi mỹ phẩm "giả"

(ANTĐ)- Cũng loại kem đó, bao bì và nhãn mác giống như “chị em song sinh” với lời quảng cáo “hàng xách tay”, không phải mất thuế, thế là giá trị của nó giảm xuống chỉ bằng một nửa, thậm chí quá nửa. Chính vì vậy nhiều chị em đã nghe theo lời đường mật của chủ cửa hàng mỹ phẩm mà biến mình trở thành “chuột bạch” và kết quả là thay vì làm cho làn da của mình mịn màng hơn, trắng sáng hơn thì lại trở nên xám xịt, mẩn đỏ, sưng phồng…

Trôi nổi mỹ phẩm "giả"

(ANTĐ)- Cũng loại kem đó, bao bì và nhãn mác giống như “chị em song sinh” với lời quảng cáo “hàng xách tay”, không phải mất thuế, thế là giá trị của nó giảm xuống chỉ bằng một nửa, thậm chí quá nửa. Chính vì vậy nhiều chị em đã nghe theo lời đường mật của chủ cửa hàng mỹ phẩm mà biến mình trở thành “chuột bạch” và kết quả là thay vì làm cho làn da của mình mịn màng hơn, trắng sáng hơn thì lại trở nên xám xịt, mẩn đỏ, sưng phồng…

 Cận cảnh thị trường mỹ phẩm

Khách hàng cần thận trọng khi mua mỹ phẩm
Khách hàng cần thận trọng khi mua mỹ phẩm

Hiện nay, tại Hà Nội ngoài những cửa hàng của các hãng mỹ phẩm có tiếng rải rác khắp các quận như: Clinque (Mỹ), Sisheido (Nhật Bản), O Hui (Hàn Quốc), Loreal (Pháp), Estee Lauder (Mỹ)… thì các cửa hàng mỹ phẩm cấp thấp cũng tràn ngập trên khắp đường phố, siêu thị, khu chợ...

Song có một thực tế làdo  trình độ am hiểu về mỹ phẩm có hạn, không phải ai cũng có điều kiện đến những cửa hiệu sang trọng của các hãng mỹ phẩm để chọn cho mình một bộ sản phẩm chăm sóc da phù hợp.

 Nắm bắt được thị trường khách hàng như vậy, nhiều cửa hàng mỹ phẩm mọc lên như nấm để phục vụ những đối tượng thích dùng “đồ xịn giá rẻ”. Dạo qua các điểm bán mỹ phẩm tại trung tâm thành phố như: Hàng Đường, Hàng Cá, Hàng Mã, Chợ Đồng Xuân... khách hàng thật sự "choáng ngợp" bởi sự phong phú của các hãng mỹ phẩm ở đây.

 Chị chủ quán M ở cửa hàng trên phố Hàng Đường làm tôi thực sự "chóng mặt" khi đưa ra hàng loạt dòng mỹ phẩm dành cho phái đẹp. Sản phẩm Shishedo dành cho da người bị lão hóa có giá 300.000 đồng. Trong khi sản phẩm cùng loại trong hãng là 600.000 đến 800.000 đồng.

Tôi hỏi xuất xứ của sản phẩm và thắc mắc về thời hạn sử dụng thì được chị chủ quán mau miệng trả lời: "Đây là hàng xách tay" nhập về theo "đường dây" riêng nên mới có giá như vậy. Chứ em mà vào hãng thì sản phẩm cũng "giống" như của chị nhưng đắt gấp nhiều lần ấy chứ. Yên tâm đi nếu sử dụng có vấn đề gì chị chịu trách nhiệm..?".

 Theo ông Lê Mạnh Hùng, Đội số 14 - Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: "Mỹ phẩm là một loại hàng hóa kinh doanh không có điều kiện. Việc cấp phép rất đơn giản. Theo quy định của Bộ Y Tế trong mục bắt buộc đối với mỹ phẩm phải có: "Số đăng ký chất lượng do Bộ Y Tế - Cục Quản lý Dược Việt Nam cấp". Hiện nay các sản phẩm như: son, phấn, bút kẻ mắt, kem dưỡng da… hiệu Chanel, Gucci, Sisheido, dầu gội đầu, kem dưỡng tóc, keo xịt tóc, sữa tắm… không có số lưu hành đều được bày bán tại các cửa hàng mỹ phẩm. 

Tuy nhiên ông Hùng cũng cho rằng một yếu tố quan trọng trong công tác chống “hàng giả”, “hàng nhái” đó là phải có sự hợp tác của các hãng mỹ phẩm. Vì chỉ họ mới có thể xác nhận được sản phẩm đó là giả hay không?”.

 Coi chừng tiền mất, tật mang…

 Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu - Hà Nội, thì mỗi ngày có khoảng 10 bệnh nhân đến khám chữa bệnh do sử dụng hóa mỹ phẩm. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng mặt, mũi sưng phồng biến dạng, suy hô hấp... Thậm chí có trường hợp hỏng cả nửa khuôn mặt do dùng mỹ phẩm đến khi điều trị khỏi thì làn da không thể phục hồi được như trước.

 Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương có trường hợp chị V ở Hà Nội vào nhập viện trong tình trạng cả khuôn mặt sưng như phải bỏng, không thể mở mắt, không thể thở bằng mũi do sử dụng kem dưỡng da không rõ nguồn gốc, không ghi hạn sử dụng.

Được biết chị mua loại kem này ở cửa hàng quen, người bán hàng nói là hàng xách tay. Bác sĩ Nguyễn Thành, trưởng phòng khám, cho biết : “Phần lớn các loại mỹ phẩm chăm sóc da hay làm đẹp đều chứa từ 15-20 loại hóa chất khác nhau, các loại nguyên liệu này có chứa các thành phần như: Kim loại nặng không tan, dễ tích tụ ở màng dịch tế bào như thủy ngân, chì kẽm, cyanua, PH…

Đối với các mỹ phẩm trôi nổi  như: Son, phấn mắt, phấn hồng, mascara, chì màu, lăn nách, kem dưỡng da, sữa tắm, kem chống nắng, dầu gội, nước hoa… ít nhiều đều chứa những chất có khả năng gây ảnh hưởng đến sự miễn dịch, ảnh hưởng xấu cho gan, não, thận, hệ thần kinh trung ương. Hầu hết những mặt hàng này đóng gói sơ sài, không in tiếng Việt mà in chữ Trung Quốc, Thái Lan, xen kẽ chữ tiếng Anh. Phần vì giá bán của những mặt hàng này cực rẻ, từ 10.000-50.000 đồng/sản phẩm, nên chúng vẫn có một thị trường người tiêu dùng riêng.

Cần thận trọng khi chọn mua mỹ phẩm

  Mới đây Đội quản lý thị trường số 12 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) kết hợp với lực lượng công an phát hiện và thu giữ 2 tấn hóa mỹ phẩm nhập lậu. Nhiều người không khỏi giật mình và hoang mang vì tính an toàn trong những sản phẩm mà mình đang dùng.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng phải có ý thức tự bảo vệ mình, nên sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng, mua ở những cơ sở có uy tín hay những hãng có tên tuổi, có đầu tư nghiên cứu kỹ càng, sản phẩm được kiểm chứng bởi nhiều khách hàng và đặt cược bằng chính thương hiệu của hãng.

Và để tránh nguy hiểm cho sức khỏe, người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản khi dùng mỹ phẩm. Một điều quan trọng là không nên lạm dụng mỹ phẩm và nếu có dấu hiệu bất thường phải lập tức ngừng sử dụng, gặp bác sĩ da liễu để phát hiện nguyên nhân và điều trị.

 Ngọc Hân