Trói, hành hung người bị nghi thôi miên, bắt cóc trẻ em có thể phải ngồi tù

ANTD.VN -Thời gian qua, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các thông tin liên quan đến “bắt cóc trẻ em”, “thôi miên trộm cắp tài sản”, “ăn trộm chó”…cùng hình ảnh những đám đông cuồng nộ vây quanh chửi bới,  hành hung người bị nghi là thủ phạm. Tuy vậy, hầu hết những sự việc này đều do người dân thổi phồng, suy diễn, còn đối tượng phải gánh hậu quả là những nạn nhân vô tội.

Khi ai cũng cho mình quyền “tự xử”

Ngày 7/10, vừa qua, một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đăng tải thông tin một người phụ nữ trung niên bị người dân xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc dùng dây thừng trói chặt vào gốc cây trên đường. Kèm theo đó là các bức ảnh chụp hiện trường và vô số những lời bình luận, phán đoán về nguyên nhân sự việc.

Người thì cho rằng, do  người phụ nữ đã thôi miên để trộm cắp tài sản tại chợ, người khác lại khẳng định như đinh đóng cột, đối tượng này bị bắt và trói lại do có hành vi bắt cóc trẻ em. Phản hồi về sự việc trên, CAH Vĩnh Tường xác nhận, thực tế tại địa phương có việc người dân bắt trói một người phụ nữ, song người này không có hành vi thôi miên lừa lấy tài sản và bắt cóc trẻ em mà do có mâu thuẫn trong việc mua bán thuốc với người dân tại khu vực từ nhiều tháng trước đó.

Chiếc xe ô tô bị đốt cháy chỉ vì chủ xe bị nghi bắt cóc trẻ em

Trước đó, trên mạng xã hội cũng lan truyền thông tin một người phụ nữ nghi bắt cóc cháu bé 3 tuổi bị người dân khống chế trên một tuyến đường ở huyện Ba Vì, Hà Nội. Tuy vậy, sau khi xác minh, CAH Ba Vì đã khẳng định, sự việc này không có thật. Nguyên nhân là do một cặp vợ chồng khi đến siêu thị L.C ở Ba Vì đã để con chơi ở khu vực trò chơi trẻ em nên cháu bé sợ hãi khóc to. Lúc này, có một phụ nữ tới dỗ dành cháu bé nhưng cháu vẫn không nín, tìm xung quanh không thấy bố mẹ cháu đâu nên người này đã bế cháu về cho gia đình. Trong quá trình đưa cháu nhỏ này về bằng xe máy, người phụ nữ đã bị đám đông vây quanh liên tục chửi bới, đe dọa nhưng rất may lực lượng công an có mặt kịp thời  nên không xảy ra xô xát.

Cách đây không lâu tại xã Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế) cũng xảy ra vụ việc tương tự. Thông tin về một phụ nữ nước ngoài bị dân vây quanh vì nghi thôi miên nam thanh niên sau khi được đăng tải trên mạng đã lan truyền với tốc độ chóng mặt đồng thời bị “ném đá” không thương tiếc. Tuy vậy, theo CAX Phú Xuân, người phụ nữ này mang quốc tịch Campuchia và bị lạc sang Việt Nam đã lâu, không nhớ đường về nhà. Còn nam thanh niên nghi bị thôi miên có tiền sử mặc bệnh tâm thần, tự ý đạp xe theo người phụ nữ một quãng đường dài  khiến người dân trong khu vực nghi  ngờ.

Đừng tự đẩy mình vào tù vì hùa theo đám đông

Có thể nói, tình trạng một số cá nhân hùa theo đám đông, chưa tìm hiểu kỹ sự việc nhưng đã “tự xử” người khác chỉ vì họ nghi ngờ xuất hiện ngày càng nhiều. Tâm lý lo sợ vô căn cứ và thiếu hiểu biết pháp luật của họ đã khiến cho nhiều sự việc đơn giản trở lên căng thẳng, đe dọa tính mạng và sức khỏe của bị hại. Những hình ảnh, clip được đăng tải trên mạng về việc bắt giữ những người nghi bắt cóc trẻ em, trộm cắp tài sản bị đánh đập, trói giật hai tay sau lưng, dí dao vào cổ để tra khảo, ép buộc phải thừa nhận hành vi phạm tội mà họ không hề thực hiện cho thấy đám đông đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm hại đến danh dự và nhân phẩm của người khác.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng, sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội khiến một số đối tượng đã thổi phồng, bịa đặt thông tin mang tính giật gân như bắt cóc trẻ em, thôi miên cướp tài sản nhằm câu like, câu view...Bên cạnh đó, thời gian qua, tại một vài địa phương đã xảy ra một số vụ trẻ em bị bắt cóc, bị mất tích khiến người dân vô cùng phẫn nộ với những đối tượng thực hiện hành vi này nên khi nghe có thông tin là hành động theo bản năng, chưa cần biết đúng sai.

Cũng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, việc người dân nêu cao cảnh giác trước thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, trước bất cứ sự việc nào, mỗi cá nhân phải giữ bình tĩnh, ứng xử văn minh, và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, tránh để bản thân bị kích động, hùa theo đám đông để vu oan, bôi nhọ danh dự của người khác.

Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc, khi phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ về việc bắt cóc, xâm hại trẻ em, trộm cắp tài sản, người dân không được đánh đập, hành hung, phá hủy tài sản của nghi can mà cần tìm cách giữ chân đối tượng, kịp thời thông báo cho cơ quan công an để xác minh, điều tra làm rõ sự việc.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến những quy định liên quan đến việc bắt, hành hung, phá hoại tài sản người khác và hậu quả pháp lý đối với cá nhân khi thực hiện hành vi quá khích, trái pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi hành hung, hủy hoại tài sản của người vô tội. Đặc biệt là các lực lượng chức năng phải triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm bắt cóc trẻ em, buôn bán người, cướp giật tài sản nhằm củng cố lòng tin trong nhân dân.

Theo BLHS 2015, việc tự ý phá xe, trói, đánh người giữa nơi công cộng là vi phạm pháp luật. Những người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 BLHS 2015 sửa đổi.  Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…thì bị phạt tiền từ 10- 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm. Trường hợp nạn nhân bị tổn hại về sức khỏe, tính mạng, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác” hoặc tội “Giết người”.