Trò lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng và cuộc đấu trí với nhóm tội phạm công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tròn 2 tháng kể từ ngày tiếp nhận đơn trình báo của bị hại, các trinh sát hình sự Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã đấu tranh, làm rõ một đường dây lừa đảo công nghệ cao với thủ đoạn hết sức tinh vi…
Đối tượng Phan Đình Hùng và Cao Văn Tuấn

Đối tượng Phan Đình Hùng và Cao Văn Tuấn

Mất tiền vì chiêu lừa nâng hạn mức thẻ tín dụng

Ngày 15-8, CAQ Nam Từ Liêm nhận tin trình báo của chị V.M.L (trú tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) về việc bị một đối tượng gọi điện tự xưng là nhân viên của Ngân hàng Techcombank tư vấn, hướng dẫn nâng hạn mức thẻ tín dụng và được nhận voucher giảm giá khi mua hàng. Sau khi thao tác theo hướng dẫn của kẻ tự xưng là nhân viên ngân hàng, đối tượng yêu cầu chị cung cấp hình ảnh Căn cước công dân (nhằm xác định chính xác chị L là chủ thẻ) và 4 số cuối của thẻ để nâng hạn mức tín dụng. Khi có mã OTP gửi về điện thoại của mình, chị L đã cung cấp mã này cho đối tượng và ngay lập tức tài khoản của chị đã bị trừ hơn 95 triệu đồng.

Chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm nhìn nhận, thời gian gần đây, dù đã được cảnh báo nhiều nhưng trên địa bàn vẫn xuất hiện nạn nhân của các vụ lừa đảo công nghệ cao. Trong đó có thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng mời mở tài khoản, nâng hạn mức thẻ tín dụng. CAQ Nam Từ Liêm đã từng đấu tranh thành công với các ổ nhóm đối tượng mạo danh cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng với thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng mời nâng hạn ngạch thẻ tín dụng thì chưa có. Với tinh thần quyết tâm làm rõ đường dây lừa đảo này, Đội CSHS CAQ Nam Từ Liêm đã phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức điều tra.

Vẽ chân dung những kẻ giấu mặt

Bước đầu cơ quan công an xác định, các đối tượng gọi điện cho nạn nhân thông qua ứng dụng trên điện thoại di động như Telegram, Zalo, Messenger… để che giấu thân phận. Chúng cũng sử dụng những tài khoản ngân hàng không chính chủ để thực hiện giao dịch chuyển tiền trên các ứng dụng của hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Thiếu tá Bùi Kiến Quốc Dũng - Phó Đội trưởng Đội CSHS (CAQ Nam Từ Liêm) cho biết, khó khăn lớn nhất trong đấu tranh với tội phạm công nghệ cao là không xác định được chính xác nơi xảy ra tội phạm, không có đầu mối thông tin ngoài những tin nhắn bị hại cung cấp về thông tin giao dịch.

Quá trình điều tra, xác minh từ những thông tin, đầu mối, kết hợp với sự hỗ trợ của các nhà mạng và hệ thống ngân hàng, trinh sát xác định các đối tượng trên đều ở tỉnh ngoài. Đáng chú ý, chúng thường xuyên có giao dịch chuyển tiền để mua bán điện thoại di động tại các tỉnh thành khác. Một câu hỏi đặt ra cho Đội CSHS là, nếu sử dụng thẻ tín dụng để mua điện thoại thì sẽ được chuyển hóa như thế nào? Bằng sự kiên trì, các trinh sát đã xác định các đối tượng sử dụng thẻ tín dụng để mua điện thoại di động đã được chuyển hóa thành tiền bằng cách bán lại. Số lượng tiền thu được từ các đơn hàng này sau đó đưa ra nước ngoài. Từ những mắt xích tiêu thụ, sử dụng điện thoại tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trinh sát đã xác minh, thu giữ, truy nguyên nguồn gốc số tài sản liên quan và xác định các đối tượng liên kết thành đường dây từ Đồng Nai về TP.HCM.

Những tin nhắn trao đổi giữa nhóm đối tượng và bị hại

Những tin nhắn trao đổi giữa nhóm đối tượng và bị hại

Lộ diện đường dây lừa đảo tinh vi

Với tinh thần quyết tâm cao, ngày 15-10, các tổ công tác của CAQ Nam Từ Liêm đã bắt giữ 2 đối tượng trong đường dây mạo danh nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại khu đô thị Vinhomes Grand Park thuộc phường Long Bình, TP Thủ Đức (TP.HCM). Đó là Phan Đình Hùng (SN 2002, trú tại xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và Cao Văn Tuấn (SN 1993, trú tại xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Cơ quan công an đồng thời thu giữ tang vật là 8 chiếc điện thoại di động iPhone 14 Promax, 1 điện thoại di động Samsung Galaxy S8+, 1 điện thoại di động Nokia, 1 dàn máy tính.

Quá trình điều tra xác định, đối tượng Hùng là thành viên thuộc “Nhóm 1TD...” trên ứng dụng Telegram, được giao nhiệm vụ ở Việt Nam nhận các đơn hàng là điện thoại di động rồi mang đến cửa hàng mua bán điện thoại cũ trên địa bàn TP.HCM để bán lấy tiền và chuyển khoản cho các đối tượng ở nước ngoài. Hùng được các đối tượng chia từ 10 - 15% tổng số tiền chiếm đoạt được. Sau nhiều lần thực hiện nhiệm vụ thành công, các đối tượng đã yêu cầu Hùng mua điện thoại trực tiếp trên các trang web của các trung tâm điện thoại di động lớn với số lượng tiền tương ứng với số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt được.

Để phục vụ cho việc làm trên, Hùng đã thuê Tuấn đến các cửa hàng điện thoại nhận hàng. Hùng cũng liên hệ, thỏa thuận với Đ.H.H (là nhân viên quản lý của một siêu thị điện máy tại tỉnh Đồng Nai) về việc điều chỉnh đơn hàng cho phù hợp với số tiền mà các đối tượng đã chiếm đoạt của các bị hại. Để tránh sự phát hiện của cơ quan công an, Hùng sau khi nhận được điện thoại từ Tuấn đã nhờ bạn gái đem đi bán tại một số cửa hàng điện thoại di động khác tại tỉnh Đồng Nai. Khi bạn gái mang tiền về, Hùng trả công cho Tuấn, giữ lại phần của mình, số còn lại chuyển hết cho “ông chủ”.

CAQ Nam Từ Liêm đã làm rõ 3 vụ chiếm đoạt tài sản với phương thức thủ đoạn nêu trên, gồm: Ngày 9-10, các đối tượng đã chiếm đoạt của anh Nguyễn Văn B (trú xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) 42.480.000 đồng. Ngày 14-10, các đối tượng đã chiếm đoạt của chị Phạm Thị Út (trú tại phường Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, Khánh Hòa) 20 triệu đồng. Cùng ngày, các đối tượng đã chiếm đoạt của anh Hoàng Khắc T (trú tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) 100 triệu đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn chiếm đoạt của rất nhiều cá nhân trên địa bàn cả nước và ước tính số tiền được chuyển ra nước ngoài lên đến nhiều tỷ đồng.

Để có thể thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng lấy cắp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số điện thoại, thông tin liên quan đến việc đăng ký làm thẻ tín dụng (thẻ cho vay tiêu dùng) của một số ngân hàng. Thông thường, ngay sau khi người dân đăng ký làm thẻ tín dụng thì họ chưa thể nhận được thẻ từ hệ thống ngân hàng. Lợi dụng kẽ hở này, chúng đã gọi điện thoại cho người dân và giới thiệu là nhân viên ngân hàng hỗ trợ sau khi mở thẻ sẽ giúp nâng hạn mức từ 50 triệu đồng lên đến 100 triệu đồng... Ngoài ra, chúng cũng hứa hẹn về một số ưu đãi trong việc mua bán hàng, thanh toán hóa đơn qua thẻ tín dụng, có thể mua bán điện thoại tại các cửa hàng điện máy lớn, mua sắm tại một số cửa hàng thời trang...

Thượng tá Vũ Văn Phúc - Phó trưởng CAQ Nam Từ Liêm đánh giá, đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, lợi dụng các ứng dụng trên không gian mạng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Việc các đối tượng sử dụng số điện thoại có mã vùng tại Việt Nam, nhưng thực hiện cuộc gọi trên nền tảng Internet của nước ngoài gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh và truy bắt. “Các đối tượng đã câu kết với tội phạm người nước ngoài để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Những hành vi này đều có sự bàn bạc, chuẩn bị, xây dựng kịch bản và thực hiện kế hoạch một cách tinh vi, xảo quyệt” - chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm nêu rõ.

Dù đã được cảnh báo nhiều nhưng trên địa bàn vẫn xuất hiện nạn nhân của các vụ lừa đảo công nghệ cao. Trong đó có thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng mời mở tài khoản, nâng hạn mức thẻ tín dụng. CAQ Nam Từ Liêm đã từng đấu tranh thành công với các ổ nhóm đối tượng mạo danh cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng với thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng mời nâng hạn ngạch thẻ tín dụng thì chưa có.