Trụ sở của Chrysler
Thông báo từ tổng hành dinh của Chrysler ở thành phố Detroit, bang Michigan (Mỹ), cho biết trong năm 2012 hãng này thu về khoản lợi nhuận ròng 1,7 tỷ USD, tăng mạnh so với mức lợi nhuận 183 triệu USD của năm 2011. Năm 2011 là năm đầu tiên Chrysler làm ăn có lãi kể từ năm 1997. Tổng doanh thu của Chrysler trong năm 2012 đạt 65,8 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2011.
Nhớ lại ngày 30-4-2009, từ một trong những hãng khổng lồ của ngành sản xuất xe hơi thế giới, Chrysler chính thức phải đệ đơn lên Tòa án tối cao Mỹ để xin bảo hộ phá sản do ảnh hưởng trầm trọng từ khủng hoảng kinh tế thế giới cuối năm 2008. 30 nhà máy của Chrysler đã buộc phải tạm đóng cửa trong vòng một tháng vì sản phẩm làm ra ế ẩm. Hai Tổng giám đốc đầy kinh nghiệm J. Schrempp và S. Feinberg liên tiếp được bổ nhiệm cũng không giúp được Chrysler hồi sinh.
Bước ngoặt đã xuất hiện khi Tổng giám đốc điều hành của Hãng xe ô tô Fiat nổi tiếng của Italy là ông S. Marchionne nhảy vào cuộc. Một “cuộc hôn nhân” đầy sóng gió giữa Fiat và Chrysler đã diễn ra với nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Mỹ và Canada. Kết quả, Fiat sẽ có 35% cổ phần trong Chrysler. Đổi lại, Fiat cung cấp cho Chrysler loại khung gầm xe để phát triển các mẫu xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu cho người tiêu dùng Mỹ và giúp sản phẩm Chrysler tiếp cận mạng lưới phân phối toàn cầu của Fiat.
Chỉ hai năm sau, tháng 5-2011, Chrysler chính thức thông báo đã trả cho chính phủ Mỹ và chính phủ Canada khoản nợ 7,6 tỷ USD từ gói cứu trợ tài chính trước thời hạn 6 năm, đánh dấu sự hồi phục thần kỳ của tập đoàn này. Và chỉ mới 18 tháng kể từ khi bắt đầu tái sản xuất các mẫu động cơ tiêu chuẩn cho chiếc Jeep Grand Cherokee, tập đoàn Chrysler đã xuất xưởng mẫu động cơ Pentastar V6 thứ 1 triệu tại nhà máy lắp ráp động cơ Trenton (Michigan).
Nhìn về tương lai, ông S. Marchionne, Tổng giám đốc điều hành của cả Fiat và Chrysler dự báo trong năm 2013 này hãng có thể thu lợi nhuận hơn 2 tỷ USD trong tổng doanh thu dự kiến đạt từ 72 tỷ USD đến 75 tỷ USD. Năm 2012, tổng số xe do Chrysler chế tạo được bán ra trên toàn cầu đạt 2,4 triệu chiếc và năm 2013 dự kiến có thể đạt từ 2,6 đến 2,7 triệu chiếc các loại. Fiat cũng đã giành được quyền chọn mua thêm 16% cổ phần trong Chrysler để nâng cổ phần lên mức chi phối 51%.
Từng được báo chí mô tả là “kết thúc bi tráng lịch sử của một hãng xe hơi đầy hào hùng”, từng được đề nghị bán tượng trưng với giá chỉ 1 USD cho Bộ Tài chính Mỹ, Chrysler đang cho thấy sự hồi phục thần kỳ của mình. Gần 2 năm sau khi bước vào liên doanh, các cơ sở hoạt động của Fiat và Chrysler đã làm việc chung khá ăn ý. Cả 2 chia sẻ cho nhau gần 50% chuỗi cung ứng. Cuộc hôn nhân đang rất thuận hòa và Chrysler lại có thể mơ giấc mơ trở lại thời hoàng kim của mình.