Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa nhằm mục đích gì?

ANTĐ - Thời gian gần đây, Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa tầm ngắn, ở khu vực biển phía Đông và lần phóng vào ngày 13-7 vừa qua là ở khu vực phía bắc thành phố biên giới Kaesong. Động thái này nói lên điều gì?

Theo thông tấn xã AP của Mỹ, vừa qua Triều Tiên đã phóng thử một loại tên lửa điều khiển tấn công chính xác cao thế hệ mới. Việc Bình Nhưỡng tiến hành phóng thử tên lửa và đạn pháo theo định kỳ, một mặt là để thử nghiệm, cải tiến vũ khí, mặt khác nước này không hài lòng với các động thái của Seoul và Washington.

Trong các cuộc tập trận chúng gần đây, Hàn Quốc cũng đã bắn thử đạn pháo gần biên giới trên khu vực biển tranh chấp, Bình Nhưỡng coi các động thái của Mỹ-Hàn tổ chức các cuộc diễn tập vào mùa xuân vừa qua là “hành động xâm lược” và bày tỏ thái độ "rất phẫn nộ" trước hành động này của liên quân Mỹ-Hàn.

Song song với đó, Bình Nhưỡng đã liên tiếp phóng thử liên tiếp hàng loạt tên lửa và đạn pháo. Từ đó đã dẫn tới sự leo thang căng thẳng trong quan hệ với Seoul.

Hiện nay, hầu như chưa có ai chứng minh được là Bình Nhưỡng đã nghiên cứu thành công các loại tên lửa công nghệ cao. Nhưng nước này không ngừng nâng cao thực lực quân sự của mình. Mấy năm trở lại đây, Triều Tiên không ngừng nâng cấp hệ thống phóng rocket nhiều nòng đường kính lớn. Mỗi lần phóng thử, tầm bắn của những vũ khí này đều có sự tiến bộ rõ rệt.

Quân đội Hàn Quốc cũng có quy mô không tồi, nhưng phần lớn các nước đều khẳng định rằng, do Seoul nhiều năm liền gặp phải khó khăn về kinh tế, hơn nữa lại quen dựa dẫm vào Mỹ nên trang bị, vũ khí của họ vẫn đang còn thiếu và yếu, không đủ để tự bảo vệ mình.

Ngược lại, tuy thiếu thốn, nghèo nàn về tài nguyên, nhưng Triều Tiên đã sử dụng phần lớn nguồn lực quốc phòng để đầu tư vào chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, gây ra những đe dọa nghiêm trọng đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và phần lớn quân đội Mỹ đồn trú ở khu vực này. 

Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa nhằm mục đích gì? ảnh 1

Hệ thống rocket 12 nòng loại 240mm của quân đội Triều Tiên


Theo các chuyên gia nước ngoài, Triều Tiên đã phát triển thành công một số thiết bị hạt nhân thô sơ và đang nỗ lực chế tạo đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ và vừa để trang bị trên tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, theo phần lớn các chuyên gia thì Bình Nhưỡng cần phải mất nhiều năm nữa mới có thể thực hiện được mục tiêu này. 

Mấy tháng gần đây, Bình Nhưỡng đã có những tuyên bố xúc phạm đối với nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Seoul đã có phản ứng nghiêm khắc rằng, nếu Triều Tiên còn cố tình khiêu khích thì Hàn Quốc sẽ có hành động đáp trả cứng rắn.

Seoul và Bình Nhưỡng đều tổ chức các cuộc diễn tập pháo kích gần khu vực biên giới trên biển theo định kỳ, mấy năm gần đây cũng đã xảy ra một số lần xung đột quy mô nhỏ gây ra một số thiệt hại. Lần pháo kích năm 2010 của Triều Tiên đã dẫn đến 4 công dân Hàn Quốc thương vong.

Người phụ trách mạng lưới bảo vệ thủ đô Seoul còn cho hay, Bình Nhưỡng phóng tên lửa trước thềm chuyến thăm Seoul của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhằm tăng áp lực lên các nguyên thủ của hai nước này.

Phía Triều Tiên cho rằng, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai vị lãnh đạo này chắc chắn sẽ có thảo luận về biện pháp ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên và nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thực hiện chương trình vũ khí hạt nhân thì Bắc Kinh và Seoul sẽ đưa ra các hành động trừng phạt như thế nào đối với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quốc tế cho rằng, những vụ phóng thử tên lửa vừa qua của Bình Nhưỡng là những hành động thử nghiệm vũ khí bình thường hoặc phát đi những tín hiệu cảnh cáo các cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và Hàn Quốc hay thể hiện sự không hài lòng về chuyến thăm Seoul của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - tất cả những lý do đó đều có lý.