Triển vọng kinh tế châu Á đầy khởi sắc năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Dù dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của các nền kinh tế châu Á được cho thấp hơn so với dự báo đưa ra trước đó, nhưng giới kinh tế vẫn cho rằng triển vọng kinh tế châu lục đông dân nhất thế giới vẫn ở mức lạc quan, nhất là triển vọng của các doanh nghiệp khi nền kinh tế lớn nhất là Trung Quốc đã mở cửa trở lại.

Doanh nghiệp, chứng khoán châu Á khởi sắc

Các nhà phân tích kinh tế quốc tế đã nâng dự báo thu nhập của các doanh nghiệp châu Á năm 2023, điều trái ngược với các đợt hạ dự báo thu nhập trong năm 2022 sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm thực hiện chính sách Zero Covid (không Covid) và sức ép lạm phát dịu bớt. Theo đó, thu nhập trong năm 2023 của các doanh nghiệp có tên trong chỉ số MSCI (Morgan Stanley Capital International - chỉ số vốn hóa thị trường, tương tự như các chỉ số Dow Jones hay S&P 500…) của thị trường châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 2,5%, trong đó thu nhập của doanh nghiệp hai nền kinh tế lớn trong khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tăng lần lượt 3,1% và 2,3%.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại trong đó có mở cửa cho du khách du lịch là một nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này và khu vực

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại trong đó có mở cửa cho du khách du lịch là một nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này và khu vực

Đối với các lĩnh vực cụ thể, các nhà phân tích đã nâng dự báo thu nhập của ngành công nghiệp và hàng tiêu dùng ở châu Á thêm hơn 2%, trong khi thu nhập các công ty tài chính và công nghệ ước tăng 1,2%. Ngân hàng đầu tư và công ty dịch vụ tài chính hàng đầu thế giới Goldman Sachs cũng đã nâng dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2023 từ 3% lên 4% và trong năm 2024 từ 12% lên 14%.

Có thể thấy, giới kinh tế và các nhà phân tích kinh tế quốc tế đều chia sẻ quan điểm lạc quan về triển vọng của các doanh nghiệp châu Á vào thời điểm vừa bước sang năm mới 2023 này, điều trái ngược với những đánh giá bi quan cách đây một năm. Năm ngoái, các nhà phân tích đã giảm dự báo thu nhập của doanh nghiệp châu Á 7% do các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt Zero Covid của Trung Quốc và giá sản phẩm cao hơn ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm khoảng 20% trong năm 2022, mức giảm hàng năm lớn nhất trong 14 năm qua. Tuy nhiên, điều này cũng làm cho giá trị cổ phiếu tại khu vực rẻ hơn.

Nguyên nhân quan trọng nhất khiến giới phân tích đánh giá lạc quan về triển vọng doanh nghiệp châu Á là việc Trung Quốc đã mở cửa biên giới trở lại cho du khách quốc tế từ ngày 8-1-2023 sau 3 năm đóng cửa kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước này cuối năm 2019 đầu năm 2020. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành du lịch và vực dậy hoạt động xuất khẩu đang chững lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này cũng như các nền kinh tế khác trong khu vực.

Triển vọng lạc quan hơn của doanh nghiệp châu Á là cú hích mạnh thị trường chứng khoán khu vực khởi sắc. Ông Minyue Liu, chuyên gia đầu tư tại BNP Paribas Asset Management nhận định, mức giá cổ phiếu tại châu Á có vẻ hấp dẫn hơn so với các thị trường phát triển. Do đó, hoạt động trên thị trường chứng khoán sẽ có sự khác biệt hơn và trọng tâm thị trường sẽ dần quay trở lại tăng trưởng cơ bản và bền vững.

Theo các chuyên gia, thị trường châu Á còn được tiếp sức nhờ những tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang có những điều chỉnh chính sách để thu hút đầu tư, trong đó có việc tập đoàn công nghệ Ant Group được phép gọi vốn 1,5 tỷ USD. Trung Quốc cũng đã công bố những biện pháp mới nhằm hỗ trợ ngành bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Những động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch vốn ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế tại nước này suốt 3 năm qua.

Các diễn biến tích cực trên khiến các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng nền kinh tế Trung Quốc - một động lực quan trọng của kinh tế khu vực và thế giới - sẽ hồi phục sau 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch. Các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, những triển vọng kinh tế Trung Quốc trong trung hạn vẫn rất sáng, đặc biệt nếu Trung Quốc có thể hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm nay.

Điểm sáng tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Triển vọng lạc quan của doanh nghiệp và thị trường chứng khoán châu Á là nhân tố giữ cho kinh tế khu vực dù tăng trưởng chậm lại song không suy giảm như các khu vực châu Âu hay Bắc Mỹ bởi những tác động tiêu cực từ những thách thức lớn toàn cầu, nhất là cuộc xung đột quân sự kéo dài giữa Nga và Ukraine và lãi suất, lạm phát cao. Chuyên gia thuộc Công ty phân tích kinh tế Moody’s Analytics thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody’s nhận định, tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể giảm tốc so với dự báo đưa ra trước đó nhưng sẽ tránh được suy giảm.

Công ty phân tích Moody’s vừa công bố dự báo tình hình của các nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2023, theo đó về tổng thể, kinh tế khu vực sẽ tránh được suy thoái vào năm 2023 khi các nền kinh tế thuộc khu vực tiếp tục phục hồi. Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương nhìn chung dự báo tăng trưởng từ 3,2% trong năm 2022 lên 3,5% vào năm 2023, trong đó có sự kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023 khi bắt đầu hoạt động ổn định. Nền kinh tế Hồng Kông (Trung Quốc) cũng sẽ cải thiện vào năm 2023 sau sự trì trệ kéo dài do các hạn chế về phòng chống dịch Covid-19 và việc đi lại quốc tế bị giới hạn.

Dự báo, gần như toàn bộ phần còn lại của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm tốc độ tăng trưởng trong năm 2023 do phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu. Các nền kinh tế xuất khẩu của khu vực cũng có thể phải đối mặt với nhu cầu ít hơn từ châu Âu và Mỹ do khả năng suy thoái vào năm 2023. Lãi suất sẽ vẫn cao do các Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất cơ bản theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)...

Với kinh tế các thành viên ASEAN, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong dự báo mới nhất đầu năm 2023 cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khu vực đạt mức 5,5% năm 2022. Tuy nhiên, thế giới đang bước vào năm 2023 với nhiều áp lực kinh tế đang gia tăng và đây là những yếu tố có thể làm suy giảm đà tăng trưởng của toàn cầu, do đó ADB đã đưa ra mức dự báo kinh tế ASEAN đạt mức tăng trưởng 4,7% vào năm 2023 vì nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Chịu tác động của những thách thức, bất lợi chung của thế giới, kinh tế Việt Nam trong năm 2023 được dự báo có tốc độ tăng trưởng chậm hơn năm 2022. Nền kinh tế Việt Nam, theo Moody’s, dù tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2023, song đứng hàng cao nhất khu vực Đông Nam Á nhờ chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn khi tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp được cải thiện. Công ty phân tích uy tín trên thế giới này cho rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam khi các tập đoàn nước ngoài chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tìm đến các nơi có chi phí thấp hơn và ít bất ổn địa chính trị hơn.

Chia sẻ đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn đầu tư BDA Partners, ông Andrew Huntley cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tầm trung phát triển nhanh nhất toàn cầu với mức tăng trưởng kinh tế 6% vào năm 2023. Ông Huntley nhận định mặc dù không cao bằng mức tăng trưởng năm 2022, tỷ lệ trên vẫn tương đương mức tăng trưởng mạnh mà Việt Nam đạt được trong giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019.