Triển khai giải pháp kỹ thuật để phát hiện và ngăn chặn cuộc gọi deepfake

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Trần Quang Hưng- Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cho biết, để ngăn chặn cuộc gọi lừa đảo deepfake, Bộ TT-TT đã liên tục cảnh báo người dùng.
Người dùng cần cẩn trọng với cuộc gọi deepfake

Người dùng cần cẩn trọng với cuộc gọi deepfake

Liên quan đến cuộc gọi lừa đảo deepfake (sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giả mạo hình ảnh để lừa đảo), ông Trần Quang Hưng cho hay, tình trạng lừa đảo sử dụng công nghệ này không chỉ xuất hiện tại Việt Nam mà còn có ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay các chính phủ, các tổ chức và các tập đoàn công nghệ lớn đang cùng tìm biện pháp, giải pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn.

Trong thời gian độ trễ của công nghệ, Bộ TT-TT tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân có thể nhận biết được dấu hiệu của các cuộc gọi lừa đảo này để từ đó nâng cao cảnh giác.

Cuộc gọi video deepfake tái xuất trong thời gian gần đây, chủ yếu nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng. Theo Cục An toàn thông tin, cách nhận biết cuộc gọi deepfake lừa đảo là”: Thời gian gọi thường rất ngắn chỉ vài giây;

Khuôn mặt người gọi thiếu tính cảm xúc và khá "trơ" khi nói, hoặc tư thế trông lúng túng, không tự nhiên, hoặc hướng đầu và cơ thể của họ trong video không nhất quán với nhau…

Màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí, video trông rất giả tạo và không tự nhiên.

Cùng với đó, âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh; Ngắt máy giữa chừng với lý do mất sóng, sóng yếu...

Người dùng khi thấy cuộc gọi có dấu hiệu trên cần thận trọng khi cung cấp thông tin cá nhân, cho vay tiền và nhanh chóng thông báo với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.