Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy ngay từ cơ sở

ANTD.VN - Ngày 26-7, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội đã chủ trì Lễ ra quân thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với lực lượng cảnh sát khu vực, công an phụ trách xã trên địa bàn.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an, dự buổi Lễ.

Phát huy vai trò nòng cốt phòng ngừa, chữa cháy, cứu hộ tại cơ sở

Phát biểu tại buổi Lễ, Trung tướng Đoàn Duy Khương nhấn mạnh: “Hà Nội đang trong quá trình phát triển, hội nhập về kinh tế, xã hội. Cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình đô thị hóa tăng nhanh cả về quy mô và diện tích, các công trình, khách sạn, tổ hợp văn phòng, nhà cao tầng, siêu cao tầng tiếp tục được xây dựng, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống tiếp tục phát triển, các loại hình sản xuất, kinh doanh phong phú, đa dạng; cùng với đó là sự gia tăng mật độ dân số, phương tiện giao thông... Với những đặc điểm như trên, có thể khẳng định Hà Nội là địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ, tai nạn và các sự cố khác”.

Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại Lễ ra quân thực hiện công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH

Vấn đề đặt ra là Công an cấp xã, phường, thị trấn sẽ trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Trong đó, Công an cấp xã, phường, thị trấn mà trực tiếp là lực lượng Cảnh sát khu vực và Công an phụ trách xã phải nắm chắc tình hình, tổ chức điều tra cơ bản, trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở. Bên cạnh đó, Công an phường, xã, thị trấn cũng chịu trách nhiệm giám sát việc chấp hành các quyết định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cấp có thẩm quyền đối với cơ sở vi phạm.

Lực lượng này cũng trực tiếp chỉ đạo các lực lượng tại chỗ tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ giai đoạn ban đầu, phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ xử lý các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố.

Trước đó, Công an thành phố đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho hơn 2.300 Cảnh sát khu vực, công an phụ trách xã của công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn thành phố về công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, qua đó đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng này.

Trung tướng Đoàn Duy Khương yêu cầu lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy chữa cháy cho người dân, đồng thời tiếp tục cập nhật, trau dồi thêm kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm thực hiện hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ.

Đồng chí Giám đốc Công an thành phố cũng chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố hướng dẫn Công an các phường, xã, thị trấn thực hiện rà soát, điều tra cơ bản các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn. Thông qua đó, các đơn vị nghiên cứu, tham mưu cho Ban Giám đốc Công an thành phố những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện để có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể.

Xác định rõ trách nhiệm cán bộ phụ trách địa bàn

Tình hình cháy trên địa bàn thành phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2019, số vụ cháy gây thiệt hại nhiều về người và tải sản; tình hình chấp hành các quy định của pháp pháp luật về PCCC của một bộ phận người dân, kể cả người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, còn hạn chế; vi phạm các quy định về an toàn PCCC còn phổ biến...

Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, trang bị phương tiện PCCC và CNCH còn dàn trải, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là công tác phòng ngừa tại các hộ gia đình; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen lẫn trong khu dân cư.

Nêu con số về vụ cháy, nổ ở loại hình này chiếm 70% tổng số vụ hỏa hoạn, Giám đốc CATP đã gợi mở biện pháp cơ bản để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản xảy ra, như áp dụng biện pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, hướng dẫn cảnh báo người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và cách thức xử lý kỹ năng, thoát nạn khi có tình huống cháy nổ xảy ra.

CATP Hà Nội tổ chức Lễ ra quân thực hiện công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH

Xác định vai trò quan trọng trong công tác PCCC là "phòng" hơn "chữa", phát hiện càng sớm chữa cháy càng nhanh và hiệu quả; do đó, CATP đã đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Công an phường, xã bởi đây là lực lượng Công an cấp cơ sở trực tiếp, nòng cốt, thông thuộc địa bàn, nắm rõ đặc điểm, tình hình tại cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình trong phạm vi địa bàn phụ trách.

Đồng chí Giám đốc CATP yêu cầu lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã tăng cường kiểm tra, nắm chắc địa bàn, sớm phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện để có hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục kịp thời.

Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy Công an các quận, huyện, thị xã quan tâm chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; tham mưu UBND các cấp chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại địa phương, đưa công tác này thực sự trở thành nhiệm vụ của toàn dân và phát huy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy.

Đồng chí Giám đốc cũng chỉ rõ, cần quy trách nhiệm của cán bộ phụ trách  địa bàn, người đứng đầu cơ sở để xảy ra cháy nhiều, và cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc để tồn tại nhiều cơ sở vi phạm mà không đưa ra giải pháp, tháo gỡ, xử lý.