Tri ân và chăm lo lực lượng tuyến đầu chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cũng như những lần trước đây, trong đợt bùng phát dịch thứ tư này, những lực lượng tuyến đầu chống dịch như Y tế, Quân đội, Công an… lại tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt, sẵn sàng hy sinh lợi ích, hạnh phúc riêng, chấp nhận thiệt thòi về mình vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe của người dân, sự bình yên của đất nước.
Các y, bác sĩ luôn là lực lượng tiên phong trong phòng, chống dịch Covid-19

Các y, bác sĩ luôn là lực lượng tiên phong trong phòng, chống dịch Covid-19

Những người luôn hành động từ mệnh lệnh của trái tim và lương tâm

Đây là đợt dịch lớn nhất, lây lan mạnh, phức tạp, khó lường nhất từ trước tới nay mà Việt Nam phải đối mặt. Trước tình hình đó, cả nước lại kích hoạt tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Cũng như các đợt dịch từng xảy ra, các y, bác sĩ - những “chiến sĩ áo trắng” vẫn luôn là người đi trước. Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ tính riêng trong đợt dịch lần thứ 4 từ ngày 27-4 đến nay, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố khu vự̣c phía Bắc, miền Trung đã cử hơn 13 nghìn cán bộ, y, bác sĩ đi vào các địa phương tâm dịch để hỗ trợ công tác phòng, chống Covid-19, riêng lực lượng của 22 bệnh viện trung ương là 3.000 y, bác sĩ.

Hình ảnh người mẹ để lại con thơ còn đang độ bú mớm; người con gạt nỗi băn khoăn, nhờ người thân chăm sóc cha mẹ già hay những chàng trai, cô gái sẵn sàng gác lại hạnh phúc cá nhân khi viết đơn xung phong đến các điểm nóng dịch bệnh... đã làm lay động biết bao trái tim. Dẫu biết trước chuyến đi này ẩn chứa đầy hiểm nguy, nhưng những “chiến sĩ áo trắng” đã “ra trận” với một tâm thế rất đỗi an nhiên và tinh thần trách nhiệm. Tất cả đều sẵn sàng lên đường, không chỉ là chấp hành quyết định của cấp trên mà còn là mệnh lệnh của trái tim, lương tâm của người thầy thuốc.

Sát cánh với các chiến sĩ ngành Y là lực lượng Quân đội và Công an. Với tinh thần “vì nhân dân quên mình”, “vì nhân dân phục vụ”, quân đội luôn là lực lượng đi đầu trong phòng, chống dịch. Đó là hơn 8.000 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng phối hợp các lực lượng khác, triển khai hơn 1.900 tổ chốt chặn dọc tuyến biên giới bộ, trên biển. Đó là 180 điểm cách ly công dân do quân đội triển khai, cho đến nay đã tiếp nhận, cách ly hơn 200 nghìn người. Nhiều cán bộ, chiến sĩ thực hiện tuần tra, chốt chặn biên giới trong thời gian rất dài, phải tạm hoãn việc cưới vợ, có người không thể về chịu tang bố, mẹ. Nhiều đồng chí liên tục phục vụ tại các cơ sở cách ly tập trung trong một thời gian dài.

Với các cán bộ, chiến sĩ công an, khẩu hiệu hành động hiện nay là “Lực lượng Công an nhân dân - Lá chắn phòng, chống dịch Covid-19; Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Lâu nay, hình ảnh đã quá quen thuộc với người dân là những lán dã chiến dựng tạm ven đường, khu vực cách ly, phong tỏa là chỗ ăn, nghỉ của các cán bộ, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trong thời dịch bệnh. Vượt nắng, thắng mưa, họ kiên trì thực hiện nhiệm vụ, kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn, đảm bảo giao thông thông suốt, đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Chiến trường nào cũng gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh, và “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19 không phải là ngoại lệ. Kể từ khi dịch bùng phát đến nay, đặc biệt trong đợt dịch thứ tư từ ngày 27-4 đến nay, đã có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo tại các khu điều trị và đã có 3 người tử vong do nhiễm Covid-19. Gần đây nhất là nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh, 32 tuổi, ở Bình Dương, tử vong do nhiễm Covid-19 trong quá trình điều trị người bệnh. Khi đó chị Trinh đang mang thai 20 tuần.

Trước đó, tại TP.HCM, tối 2-8, Đại úy Phan Tấn Tài, cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an Quận 6 - thành viên Tổ tuần tra liên phường của quận 6 đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ truy đuổi đối tượng Hứa Hán Võ sử dụng trái phép chất ma túy và ra đường khi không cần thiết theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ và Chỉ thị số 12 của Thành ủy TP.HCM.

Tiếp thêm động lực cho lực lượng tuyến đầu

Đất nước và người dân luôn ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19. Trong thư khen gửi các lực lượng này đầu tháng 8-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Hơn 500 ngày qua, dịch Covid-19 với những diễn biến ngày càng phức tạp, chúng ta phải chiến đấu với loại virus được ví như “kẻ thù nguy hiểm giấu mặt, liên tục biến hóa, tàng hình” và tạm thời chưa có thuốc chữa. Nhân dân càng hiểu, trân trọng, biết ơn sự hy sinh của tất cả các anh chị em trên tuyến đầu, nhất là đội ngũ cán bộ y tế. Những cống hiến đó đã tạo nên bức tranh đẹp lan tỏa sâu rộng trong cuộc chiến chống dịch với những sắc màu của giá trị nhân văn, đức hy sinh, sự sẻ chia và tình đoàn kết toàn dân tộc.

Để tri ân những cống hiến, nỗ lực và cả những hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng quân đội, công an trên tuyến đấu chống dịch thời gian qua, bên cạnh sự động viên về tinh thần và các chính sách chung của nhà nước, các ngành và các địa phương đều chủ động có những biện pháp cụ thể và kịp thời để tiếp thêm động lực của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch đang không quản ngại hy sinh, vất vả ngày đêm.

Theo đề nghị của Công đoàn Y tế Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người để đảm bảo dinh dưỡng cho cán bộ y tế, trợ giúp 2 triệu đồng cho mỗi cán bộ đi tăng cường. Công đoàn Y tế cũng đang triển khai 20 nghìn thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu và đề nghị Bộ trưởng tặng bằng khen cho các đồng chí, đơn vị đi tăng cường chống dịch.

Mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đồng ý về chủ trương chi hỗ trợ thêm 70% mức phụ cấp, bồi dưỡng hiện nay cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố từ nguồn ngân sách và giao Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng vừa quyết định chính sách đặc thù hỗ trợ khẩn cấp nhằm động viên lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian chờ Hội đồng nhân dân thành phố họp để thông qua. Theo đó, lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp được nhận 10 triệu đồng, người làm công việc gián tiếp nhận 4,5 triệu đồng, các tổ Covid-19 cộng đồng nhận 2 triệu đồng. Đối với lực lượng y tế được Bộ Y tế và các tỉnh chi viện cho TP.HCM, các nhân viên y tế, cán bộ giảng viên được nhận 3 triệu đồng còn sinh viên y khoa nhận 1,5 triệu đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều ca dương tính tại cộng đồng đến khám tại các bệnh viện, nguy cơ cán bộ y tế lây nhiễm rất cao, đặc biệt là các bệnh viện dã chiến điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng, thậm chí đã có nhân viên y tế tử vong trong khi đang làm nhiệm vụ, Công đoàn Y tế đã có văn bản đề nghị Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất với Chính phủ, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành chế độ chính sách để cán bộ y tế trong khi thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 bị tử vong được phong danh hiệu Liệt sĩ và gia đình được hưởng chế độ liên quan.