“Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa XIII xem xét, quyết định về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định quyết tâm và chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc chiến với thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm này.

Không có ngoại lệ, không có vùng cấm

Có thể nói, trong những thành tựu nổi bật đạt được trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng tới nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, tăng cường niềm tin trong nhân dân với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, từ khi thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt Ban Chỉ đạo), dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mà trực tiếp, thường xuyên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.

Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa XIII sẽ xem xét quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa XIII sẽ xem xét quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh

về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ban Chỉ đạo đứng đầu là Tổng Bí thư cùng với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nên trong những năm qua, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật, được nhân dân, dư luận trong nước và quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Từ năm 2013 đến 2020, cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 131.000 đảng viên, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng. Cũng từ năm 2013 đến 2020, đã có 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý (trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, 30 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang). Từ năm 2013 đến 2020, cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xem xét hơn 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (gồm 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang).

Từ đầu năm 2022 đến nay, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có những chuyển biến mới trên nhiều lĩnh vực. Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ với 2.038 bị can, truy tố 742 vụ với 1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ với 1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (trong đó khởi tố mới 125 vụ án, 259 bị can về tội tham nhũng). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 4 vụ án với 23 bị can, khởi tố mới 7 bị can trong 3 vụ án, khởi tố bổ sung tội danh 4 bị can trong 2 vụ án; kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 5 vụ án với 134 bị can; truy tố 3 vụ án với 34 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án với 14 bị cáo, xét xử phúc thẩm 1 vụ án với 4 bị cáo.

Trong đó, đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp như: Vụ án “Tham ô tài sản, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng); Vụ án “Tham ô tài sản, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và một số cơ quan có liên quan; Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Tập đoàn FLC; Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Đáng chú ý, đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý, gồm 1 thứ trưởng, 1 nguyên thứ trưởng, 1 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, 5 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Những kết quả trên cũng cho thấy rõ quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời khẳng định không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong cuộc chiến này, bất kỳ ai tham nhũng, tiêu cực đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Trên dưới đồng lòng chống tham nhũng, tiêu cực

Có thể nói vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta đặc biệt quan tâm, đề cập trên nhiều lĩnh vực với một quyết tâm chính trị cao để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với hành vi này theo phương châm: “Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó và không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”.

Đồng thời với việc tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên; điều tra, truy tố, xét xử những người tham nhũng, tiêu cực, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được đẩy mạnh. Cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua đã không ngừng hoàn thiện pháp luật, chính sách, xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng, tiêu cực.

Một trong những cơ chế, chính sách quan trọng được hoàn thiện là việc Bộ Chính trị vào tháng 9-2021 đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32 mở rộng phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo sang cả công tác phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 21-KL/TƯ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo Kết luận số 12-KL/TƯ ngày 6-4-2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cho ý kiến hoàn thiện Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để trình Hội nghị Trung ương 5 lần này.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 ngày 4-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tuy chưa chính thức có chủ trương chung, nhưng đến nay đã có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác này (gồm Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hòa). Qua góp ý xây dựng đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đề án đã trình bày đầy đủ, đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên tắc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cũng đã dự thảo các văn bản liên quan.

Việc Hội nghị Trung ương lần thứ 5 xem xét, quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.