Trên 3.000 tỷ đồng mỗi năm, đề tài nghiên cứu xong… xếp ngăn kéo

ANTĐ - Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân sáng 12-6 được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá là “nóng” hơn cả phần chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khi số ĐBQH đăng ký chất vấn nhiều hơn. Trong đó, vấn đề lãng phí trong nghiên cứu khoa học, chuyện đề tài nghiên cứu xong lại… xếp vào ngăn kéo cho đẹp, được các đại biểu đề nghị làm rõ.

Trên 3.000 tỷ đồng mỗi năm, đề tài nghiên cứu xong…  xếp ngăn kéo ảnh 1
Nhà khoa học và doanh nghiệp chưa gặp nhau

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) hỏi: Tại sao hiện nay sản phẩm khoa học vẫn chủ yếu nghiên cứu trên bàn giấy, nghiên cứu xong lại xếp ngăn kéo? Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân lý giải, thị trường công nghệ là thị trường phát triển muộn nhất trong các thị trường ở Việt Nam. Có 4 yếu tố để phát triển thị trường công nghệ nhưng trước đây chúng ta chỉ quan tâm đến 2 yếu tố là nguồn cung và nguồn cầu công nghệ. Còn 2 yếu tố là các định chế trung gian trong phát triển thị trường công nghệ và hệ thống pháp lý, thể chế chưa được quan tâm thỏa đáng. Dẫn chứng kết quả nghiên cứu không đến được với sản xuất kinh doanh, các nhà khoa học không đến được với doanh nghiệp cũng vì thiếu các tổ chức trung gian, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận trách nhiệm: “Chúng tôi chưa làm được nhiều trong việc tổ chức ra các định chế trung gian, đây là khâu yếu nhất”.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết thêm, các đề tài nghiên cứu xong xếp ngăn kéo có 3 loại. Thứ nhất, các nghiên cứu cơ bản thì cơ bản xếp ngăn kéo vì đây là những nghiên cứu đi trước thời đại, phải đợi đến thời điểm thì mới áp dụng được. Thứ hai là những đề tài nghiên cứu ứng dụng, một số đề tài thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư nên không được cụ thể thành sản phẩm hàng hóa.

Mặt khác, có một số đề tài xếp ngăn kéo thực sự, không ứng dụng được vì không xuất phát từ nhu cầu thực sự của doanh nghiệp, không phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn mà chỉ từ mong muốn của nhà khoa học. Luật Khoa học Công nghệ 2013 đã có những nội dung quan trọng để khắc phục, trong đó quy định những nghiên cứu từ ngân sách nhà nước phải xuất phát từ đơn đặt hàng, Bộ KH&CN cũng đã xây dựng cơ chế đặt hàng. Do vậy, để trả lời câu hỏi bao giờ mới hết đề tài nghiên cứu xếp ngăn kéo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, nếu thực hiện nghiêm túc Luật Khoa học Công nghệ 2013 thì chắc chắn không còn, vấn đề là có thực hiện nghiêm được hay không. 

Chủ tịch Quốc hội giao nhiệm vụ
Khoa học và công nghệ là 1 trong 2 quốc sách hàng đầu, tuy nhiên lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập cả về cơ chế chính sách, phát triển thị trường KHCN, định giá sản phẩm, thực hiện tự chủ trong KHCN… Để khắc phục, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các chính sách để phát triển thị trường KHCN đồng bộ, thực sự là thị trường. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, thể chế liên quan, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia, đầu tư phát triển KHCN.

Có chuyện “chạy” đề tài khoa học?

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho biết, nhiều cử tri bức xúc phản ánh việc ngân sách chi cho KHCN thiếu minh bạch. Dẫn chứng “những người bên Bộ KH&CN, khi xét duyệt đề tài thì rất dễ dàng còn những người khác thì khó khăn. Ngoài ra, có có hiện tượng cán bộ của Bộ KH&CN gợi ý cho các trường, viện "chạy" đề tài nghiên cứu khoa học để ăn phần trăm”, đại biểu hỏi: Bộ trưởng có biết điều này không? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ: “Cho đến giờ phút này, tôi chưa thấy ai phản ánh với tôi về việc này. Nếu có việc này đề nghị các ĐB chuyển cho chúng tôi, tôi sẽ xử lý nghiêm”.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Quân cần làm rõ hơn việc lãng phí trong nghiên cứu khoa học, bởi mỗi Bộ hàng năm có ít nhất vài chục đến vài trăm tỷ đồng chi cho nghiên cứu khoa học song hiệu quả không tương xứng. Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ: “Về lãng phí lớn trong KHCN, chúng tôi không dám nói là không có. Năm nay ngân sách nhà nước chi cho KHCN hơn 17.000 tỷ đồng, trong đó 40% dành cho chi thường xuyên, 40% dành cho phát triển hạ tầng cơ sở KHCN, chỉ còn xấp xỉ 20% cho toàn bộ các nghiên cứu, tức vào khoảng 3.800 tỷ đồng. Nếu chia cho 2.600 tổ chức KHCN, 140.000 cán bộ KHCN cả nước thì tỷ lệ này rất thấp, nhất là so sánh với thế giới. Lãng phí nếu có thì liên quan đến cơ chế đầu tư chưa tới ngưỡng”. Không hài lòng với cách trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Hiệu quả nghiên cứu KHCN không cao là lãng phí rồi! Nghiên cứu song không ứng dụng được là lãng phí rồi! Cần phải có biện pháp khắc phục!”.

Cần hỗ trợ người dân có sáng chế tốt

Trước băn khoăn của một số đại biểu về việc nhiều người lao động, nông dân đã sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ hữu ích, thiết thực cho sản xuất, đời sống nhưng không không được hỗ trợ và nhân rộng, trong khi tiền bố trí cho KHCN tiêu không không hết, Bộ trưởng Nguyễn Quân lý giải đây là vấn đề do cơ chế. “Hiện nay theo quy định của luật không có nội dung này trong mục lục chi ngân sách, các Sở KHCN không có cơ chế để chi hỗ trợ cho người dân mà chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần hoặc mời giúp các nhà khoa học đến để hỗ trợ hợp tác. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Tài chính, sắp tới 2 bộ sẽ có một thông tư liên tịch về vấn đề này để tạo ra một kênh hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho sáng kiến của người dân” - Bộ trưởng nói. Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, đã có cơ chế ưu đãi đặc biệt để thu hút được cán bộ KHCN giỏi ở cả trong và ngoài nước.

Trước lo ngại của nhiều đại biểu về nguy cơ Việt Nam có thể trở thành bãi rác công nghệ của thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Quân một lần nữa thừa nhận “điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra, nếu như chúng ta không có những giải pháp, những hàng rào kỹ thuật”. Theo Bộ trưởng, cần thiết phải ban hành một văn bản để hạn chế và quản lý việc nhập khẩu thiết bị máy móc cũ đã qua sử dụng để tránh tình trạng Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục cho doanh nghiệp. 

Ông Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM:
 “Tôi ấn tượng với sự tự tin của Bộ trưởng Bộ KH-CN”
“Về phần trả lời của các Bộ trưởng, tôi cho rằng phần lớn đều đi thẳng vào vấn đề, không vòng vèo. Tôi cũng rất ghi nhận khi qua chất vấn, Chủ tịch Quốc hội gom được những vấn đề mà Chính phủ cần quan tâm. Đó là những điểm nổi bật ở đợt chất vấn này. 
Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải đổi mới phương thức chất vấn, làm sao không quá ôm đồm nhiều vấn đề, khi chọn xong vấn đề, khi trao đổi chúng ta có đối thoại để làm rõ hơn bản chất và bàn thêm giải pháp tháo gỡ. Như vậy sẽ làm cử tri thỏa mãn hơn. Đợt này, tôi rất ấn tượng với Bộ trưởng Bộ KH-CN vì Bộ trưởng nắm vấn đề rất cụ thể chứ không chung chung, am tường về chính sách, thực tiễn và đặc biệt rất tự tin với chức trách của mình. Dĩ nhiên, những nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng thì còn phải xét nhiều khía cạnh nữa”.

Ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội
(ĐBQH  TP Hà Nội): 

Cần rõ hơn về trách nhiệm của Bộ trưởng 
“Bộ trưởng Nguyễn Quân nắm rõ tình hình và trả lời thẳng vào câu hỏi của ĐBQH. Tuy nhiên, Bộ trưởng diễn giải hơi nhiều. Nếu Bộ trưởng nêu khái quát, ngắn gọn hơn các vấn đề đã được chất vấn, thì sẽ tiết kiệm thời gian và trả lời được nhiều vấn đề khác hơn. 
Về mặt trách nhiệm, Bộ trưởng cũng nói chưa rõ. Theo tôi, các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực đầu tư, phát triển KH - CN đã có từ lâu rồi, nhưng việc triển khai thực hiện thì còn nhiều tồn tại và trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu. Tôi mong muốn Bộ trưởng qua phiên chất vấn cần phải chuyển biến ngay trong chỉ đạo, lãnh đạo điều hành của cả hệ thống KH - CN, khắc phục được những yếu kém lâu nay trong lĩnh vực quan trọng này”.

Bà Nguyễn Thị Khá (ĐBQH tỉnh Trà Vinh): 
Bộ trưởng trả lời chưa thuyết phục
“Phiên chất vấn hôm trước Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chưa trả lời câu hỏi của tôi về giải pháp đồng bộ để tiêu thụ sản phẩm, vì vậy hôm nay tôi tiếp tục đặt vấn đề này với Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân. Vì hàng hóa muốn có chất lượng tốt, bán được giá cao thì phải nhờ những ứng dụng KH - CN. Tuy nhiên, câu trả lời tôi nhận được vẫn rất chung chung. 
Tôi mong muốn các vị Bộ trưởng khi trả lời chất vấn phải nêu được giải pháp mình đưa ra, phải có lộ trình cụ thể và sau thời gian đó phải kiểm chứng, thực hiện được bao nhiêu phần trăm, tồn tại do nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Nếu chỉ nói chúng tôi sẽ khắc phục, sẽ tiếp thu thì không giải quyết được vấn đề gì, vì hiện không có tiêu chí nào đánh giá thời gian khắc phục đó đâu. Nhìn chung Bộ trưởng trả lời khá ổn, nhưng cũng còn một số vấn đề chưa thuyết phục được người chất vấn, trong đó có tôi.
Hoàng Thư - Băng Tâm (ghi)