Trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng: Lỗi phần nhiều do người lớn

ANTĐ - Ngày 2-3, tại Hải Phòng, Bộ Y tế đã phát động Chiến dịch quốc gia phòng, chống bệnh tay chân miệng (TCM). Theo đó, diễn biến bệnh TCM hiện đang rất phức tạp, không chỉ khu vực phía Nam mà cả một số địa phương phía Bắc…

Hướng dẫn cho trẻ em thói quen vệ sinh tay chân bằng xà phòng

là cách hiệu quả phòng chống bệnh tay chân miệng

Nhiều tỉnh tăng bất thường

Năm 2011 được coi là năm dịch TCM bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay với hơn 112.000 trẻ mắc bệnh, 160 trẻ tử vong (chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi), được ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành. Số ca mắc TCM tăng nhanh từ tháng 5, cao điểm vào tháng 9, đến 3 tháng cuối năm bắt đầu giảm dần khiến cơ quan chức năng cũng như người dân hy vọng sang năm 2012, dịch sẽ chấm dứt. Thế nhưng trong những tuần đầu tiên của năm nay, số ca mắc vẫn liên tục duy trì ở mức cao, tính trên cả nước diễn biến dịch có giảm nhưng rất chậm. Đặc biệt, tại một số tỉnh như Hải Phòng, Lào Cai… số mắc bỗng tăng bất thường, với tỷ lệ mắc lên đến gần 840 trẻ/100.000 dân. Tại khu vực miền Nam, số mắc giảm nhưng tỷ lệ tử vong lại có xu hướng tăng.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận thêm gần 8.000 trẻ mắc TCM, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 7,1 lần. Đặc biệt, đã có 9 ca tử vong được ghi nhận, chưa kể 1, 2 ca tử vong khác nghi do bệnh này đang chờ kết quả xét nghiệm. Cùng thời điểm này năm ngoái, cả nước chưa ghi nhận ca tử vong nào trong gần 1.000 ca bệnh TCM. Dù cơ quan chức năng đã khẳng định, cả 9 ca tử vong năm nay đều dương tính với virus EV71 (virus gây TCM thể nặng) nhưng sự gia tăng bất thường số ca tử vong khiến nhiều người hoài nghi về khả năng virus biến đổi, động lực nặng hơn. Phía Bộ Y tế cũng đã thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến số ca tử vong tăng một phần do bệnh nhân không được xử trí cấp cứu kịp thời. Mới đây, Bộ đã ban hành hướng dẫn mới về chẩn đoán và phòng chống bệnh TCM, thay cho hướng dẫn cũ được áp dụng từ năm 2008.

Bệnh do vệ sinh kém

Phần lớn bệnh TCM xảy ra ở trẻ em, nhất là trẻ từ 1-5 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ người lành mang trùng nói chung rất cao, lên tới 71% trong các ổ dịch, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần. Trong khi đó, tỷ lệ cha mẹ, người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay bằng xà phòng còn rất thấp và không ít trường hợp đã vô tình truyền bệnh TCM cho trẻ nhỏ thông qua hoạt động chăm sóc trẻ. Tại buổi phát động ngày 2-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, bệnh TCM do virus đường ruột gây ra, lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, họng, nước bọt và nốt phỏng. Do đó, việc giảm ca mắc TCM phụ thuộc rất nhiều vào hành vi vệ sinh của các bậc cha mẹ cũng như người chăm sóc trẻ.

Tại buổi phát động, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các cấp, ngành, cơ sở y tế các tuyến phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để kiểm soát tình hình dịch bệnh, đồng thời mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức phòng bệnh nhằm ngăn chặn dịch bùng phát, lây lan.