Trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng mạnh

ANTĐ - Từ đầu năm đến nay, dịch tay chân miệng (TCM) tiếp tục gia tăng với 14.260 ca mắc được ghi nhận, 4 ca tử vong và rất nhiều ca nguy kịch. Đáng chú ý, đa số phụ huynh vẫn nghĩ trẻ chỉ bị TCM khi có tiếp xúc với những trẻ mắc bệnh, thế nhưng qua điều tra dịch tễ thì 75% trẻ mắc TCM lại không hề có yếu tố tiếp xúc này.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng mạnh ảnh 1
BV Nhi Trung ương vẫn liên tục tiếp nhận bệnh nhân TCM

Triệu chứng bệnh đã biến đổi

Thông tin từ BV Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh nhân TCM nhập viện tăng cao, trong đó nhiều trường hợp nặng, có bệnh nhân phải lọc máu và điều trị tích cực. Qua theo dõi các trường hợp mắc TCM nhập viện, BV đã phát hiện có sự thay đổi về triệu chứng, bệnh cảnh lâm sàng ở những trẻ mắc bệnh. TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, nếu trước đây triệu chứng bệnh thường biểu hiện rõ là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và niêm mạc miệng, thì nay nhiều trẻ bị bệnh không bộc lộ rõ ràng, thậm chí khi xét nghiệm mới phát hiện mắc TCM. Thậm chí nhiều trường hợp virus TCM đã tấn công vào não, gây biến chứng ở các cơ quan tiêu hóa, tim mạch nhưng vẫn không có biểu hiện đặc trưng của bệnh.

Cũng theo đại diện BV Nhi Trung ương, trong tổng số trẻ nhập viện do TCM vào điều trị tại BV, có tới 75% số trẻ mắc bệnh hoàn toàn không có yếu tố dịch tễ là đã từng tiếp xúc với trẻ mắc TCM trước đó. Ðiều này cho thấy, dù trẻ có được cách ly vẫn có thể mắc bệnh. Mặt khác, trẻ có thể lây bệnh từ người lớn, nhất là từ người chăm sóc và tiếp xúc thường xuyên với trẻ. 

Thống kê từ Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm 2013 đến nay, cả nước đã ghi nhận 14.260 ca mắc TCM với 4 ca tử vong, tiếp tục là 1 trong 10 dịch bệnh có số mắc cao nhất ở nước ta (chỉ đứng sau tiêu chảy), đồng thời cũng là 1 trong 10 dịch bệnh có số tử vong cao nhất. Kết quả nghiên cứu trên 2.161 bệnh nhân mắc TCM điều trị nội trú trong năm 2012 tại BV Nhi đồng 1 cho thấy, bệnh TCM gặp nhiều ở thời điểm giao mùa như hiện nay. Triệu chứng thường gặp là phát ban ở lòng bàn tay, chân, sốt, giật mình, run chi, thời gian chuyển nặng thường vào ngày thứ 3-4 kể từ khi mắc bệnh. Các biến chứng thường gặp là viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… Ông Nguyễn Huy Khoa, Cục Y tế dự phòng nhận định, tình hình dịch TCM trong năm 2013 chắc chắn vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng với số mắc cao.

40% dân số không biết TCM

Các bác sĩ khuyến cáo, khoảng 90-95% trẻ mắc bệnh TCM sẽ tự khỏi, vì thế với trẻ mắc bệnh TCM ở thể nhẹ, cha mẹ nên chăm sóc tại nhà. Tuy bệnh TCM không quá nguy hiểm, song điều đáng lo ngại là TCM rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thường gặp khác, đặc biệt là các bệnh lý sốt virus, sốt phát ban, nhiệt miệng, hay dị ứng… Do đó, nếu không được phân biệt, chẩn đoán sớm thì sẽ kéo theo tình trạng xử lý điều trị sai hoặc điều trị muộn, khiến bệnh diễn tiến nguy hiểm.

Theo TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, TCM và bệnh sốt virus đều có biểu hiện sốt cao nên ở giai đoạn đầu cần phải căn cứ vào các biểu hiện rất cụ thể mới phân biệt được. Chẳng hạn, với bệnh sốt virus, trẻ có thể gặp sốt cao nhưng dùng thuốc hạ sốt thì đỡ, khám không thấy dấu hiệu nhiễm trùng ở họng, phổi, đường ruột; còn với TCM thì gây sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt không đỡ, phát ban ngay từ khi sốt, ban xuất hiện ở lòng bàn tay, chân và khoang miệng. Tương tự, nhiều bệnh lý khác cũng có biểu hiện phát ban trên cơ thể hoặc tay chân như sốt phát ban, dị ứng, viêm da mủ, thủy đậu… nhưng với các bệnh lý này thì thông thường, các ban mọc xen kẽ, ít dạng sẩn, thường có hạch sau tai, còn ban của bệnh TCM xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, ít khi loét hay bội nhiễm...

Tại hội thảo quốc tế về phòng, chống bệnh TCM do Bộ Y tế tổ chức ngày 4-4, ông Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tỷ lệ người dân hiểu sai và không biết về bệnh TCM chiếm đến 37-38% dân số, đặc biệt có 22,8% người dân không biết các biện pháp phòng bệnh này. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, bệnh TCM lây truyền theo đường tiêu hóa nên việc thực hiện các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi công cộng là yếu tố quyết định đến việc giảm tỷ lệ mắc bệnh tại cộng đồng. Để phòng bệnh, người dân (nhất là những người trong gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi) cần thực hiện tốt các biện pháp rửa tay bằng xà phòng; thường xuyên lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn của trẻ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; cho trẻ ăn chín, uống sôi, không ăn chung thìa, bát... Đặc biệt, khi có các triệu chứng của bệnh như sốt cao, nổi phát ban ở tay, chân, miệng thì cần đưa đến BV khám để được chẩn đoán, hướng dẫn điều trị sớm.