- Trẻ em bị tấn công tình dục trong "rừng tị nạn"
- Tội phạm tình dục nguy hiểm nhất nước Anh
- Giải cứu những trẻ em đường phố bị ép buộc móc túi
Trong một năm, nhiều trẻ em sống trong những trung tâm bảo trợ ở Anh mất tích không rõ nguyên nhân
Nhiều nơi không nắm hết số liệu
Theo báo cáo của ECPAT và tổ chức từ thiện “Tìm kiếm người mất tích”, trong khoảng thời gian từ 2014 - 2015, gần 30% trẻ em là nạn nhân của tội phạm buôn người (167 trong tổng số 590 trẻ em), 13% trẻ em di cư không có người lớn đi cùng (593 trong tổng số 4744 trẻ em) sống tại các trung tâm bảo trợ ở Anh “biến mất”. Trong số trẻ em mất tích, 207 em có khả năng không bao giờ được tìm thấy.
Bản báo cáo được xây dựng dựa trên số liệu do các trung tâm chăm sóc trẻ em trên khắp nước Anh cung cấp. Theo bản báo cáo này, Thurrock, Hillingdon, Croydon, Hạt Kent và Surrey là những địa phương có số trẻ em mất tích cao nhất với 22 trường hợp trong khoảng thời gian 2014 - 2015. Đa số là nạn nhân của tội phạm buôn người ở Albania và Anh, trẻ em di cư không có người lớn đi cùng đến từ Afghanistan, Eritrea, Albania.
Mặc dù số liệu được đề cập đáng giật mình nhưng ECPAT cho rằng, số liệu thực sự về trẻ em trong những trung tâm bảo trợ mất tích còn cao hơn nhiều. Chloe Setter, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách của ECPAT cho hay, chỉ có 45/217 địa phương có thể cung cấp thông tin đầy đủ về trẻ em mất tích khi được yêu cầu. “Nhiều nơi không thể cung cấp số liệu về số trẻ em mất tích. Hàng trăm trẻ em đã biến mất từ những nơi mà các em cần phải được bảo vệ. 20% chính quyền địa phương không thể báo cáo có bao nhiêu trẻ em trong trung tâm chăm sóc được xác định hoặc nghi ngờ là nạn nhân của tội phạm buôn người. Chỉ 10% chính quyền địa phương báo cáo được quốc tịch của số trẻ em đã “biến mất”. Chính vì vậy, kết quả khảo sát này chưa phản ánh đầy đủ những gì đáng diễn ra”, ông Setter nói.
Cần giải pháp bảo vệ trẻ em khẩn cấp
Báo cáo ECPAT cho rằng, tình trạng trẻ em trong các trung tâm bảo trợ mất tích xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau. Đó là nhà chức trách chưa nắm rõ số trẻ em là nạn nhân của tội phạm buôn người; sự ảnh hưởng và kiểm soát của các băng đảng buôn người; trẻ em thiếu tin tưởng vào người lớn và thiếu sự hỗ trợ cần thiết trong các trung tâm bảo trợ; giải pháp bảo vệ người nghèo, người tị nạn và người di cư chưa được quan tâm đúng mức. Theo ECPAT, để ngăn chặn tình trạng trẻ em mất tích, phải tăng cường đầu tư về mọi mặt cho những trung tâm bảo trợ trẻ em, trong đó có cả việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc tại đây.
Lynne Chitty, Giám đốc của tổ chức từ thiện chống buôn người “Love146” cho biết, cô không ngạc nhiên trước những gì bản báo cáo đề cập. Dự kiến số trẻ em mất tích sẽ tiếp tục tăng nếu Chính phủ không có những chính sách bảo vệ trẻ em khẩn cấp. “Mỗi tuần, chúng ta đều nhận được báo cáo về trẻ em mất tích. Phần lớn các em quay lại với những kẻ buôn người vì nhiều lý do khác nhau. Các em không nhận được sự bảo vệ hoặc hỗ trợ cần thiết tại các trung tâm bảo trợ”, Lynne Chitty nói.
Trong khi đó, một quan chức Anh cho biết, Chính phủ nước này đã ban hành quy định siết chặt an ninh, tăng cường dịch vụ trong các trung tâm bảo trợ trẻ em. Theo đó, chính quyền địa phương có trách nhiệm phải báo cáo chi tiết, kịp thời những vụ trẻ em mất tích. Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng tập trung đầu tư đào tạo những chuyên gia giỏi trong các trung tâm bảo trợ trẻ em để nâng cao chất lượng nguổn nhân lực.