Trẻ em mồ côi vì Covid-19: Ưu tiên sống trong môi trường gia đình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH  và Ủy ban quốc gia về trẻ em vừa có công văn đề nghị 63 tỉnh thành hỗ trợ kịp thời cho trẻ em có cha, mẹ mất do dịch Covid-19.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên tặng quà, động viên các mồ côi cha do dịch Covid-19

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên tặng quà, động viên các mồ côi cha do dịch Covid-19

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố. Hiện đã có hơn 1.000 trẻ em rơi vào tình trạng mồ côi.

Do vậy, Ủy ban quốc gia về trẻ em và Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp để kịp thời chăm sóc, nuôi dưỡng, giảm nhẹ nỗi đau thương, mất mát của các em.

Theo đó, các đơn vị chuyên môn cập nhật số lượng, danh sách, hoàn cảnh cụ thể, điều kiện chăm sóc từng trẻ em có cha, mẹ mất do dịch Covid-19 và nguyện vọng của trẻ em, người giám hộ của trẻ để có biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp.`

Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em này theo nghị định 20 về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; chính sách hỗ trợ cho trẻ em tại nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Các tỉnh thành cần phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để hỗ trợ trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19; trẻ em có cả cha và mẹ hoặc cha hoặc mẹ tử vong vì nhiễm Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Với trường hợp cần chăm sóc thay thế cho các em thì áp dụng quy định của Luật trẻ em và Nghị định 56.

Trong đó, cơ quan chuyên môn ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ được chăm sóc, thay thế bởi người thân, cá nhân hoặc gia đình nhận chăm sóc. Mục đích để trẻ sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương ban hành chính sách, kế hoạch hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trước mắt và lâu dài đối với nhóm trẻ em trên. Việc trợ giúp pháp lý cho các em cũng cần chú trọng bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ, nhất là không để trẻ bị xâm hại do không có sự giám hộ của cha, mẹ.

Các tỉnh thành cũng cần hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng thành lập cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi theo nghị định 103. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bao gồm cả việc bảo đảm quyền học tập của các em theo quy định của pháp luật về trẻ em, về giáo dục, trong đó có quy định về giáo dục hòa nhập.