Trẻ biếng ăn tâm lý, làm thế nào?

ANTD.VN - Việc ép trẻ ăn không chỉ gây ra các vấn đề tâm lý, khiến các bé sợ ăn mà còn gây ra nhiều bệnh lý, trong đó, đáng chú ý nhất là viêm loét dạ dày.

40% trẻ trên 2 tuổi biếng ăn

Biếng ăn là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ. Theo ước tính, khi mới sinh ra, chỉ có khoảng 5% trẻ biếng ăn. Tuy nhiên, khi lên 2 tuổi, tỷ lệ này lên đến 30-40%.

Các chuyên gia chia biếng ăn thành 3 loại: sinh lý, tâm lý và bệnh lý. Bệnh lý tức là do trong cơ thể trẻ mắc bệnh nào đó dẫn tới mệt mỏi, không muốn ăn. Và tỷ lệ này thường chỉ chiếm rất ít. 

Biếng ăn sinh lý lại xảy ra song song với các giai đoạn phát triển thể chất của trẻ. Chẳng hạn, khi chuyển từ lẫy sang bò, hầu hết trẻ đều có một giai đoạn biếng ăn. Biếng ăn dạng này thường vô hại song nếu cha mẹ không để ý, nó dễ dẫn tới biếng ăn tâm lý.

Trong 3 loại biếng ăn, biếng ăn tâm lý là nguy hiểm nhất và nguyên nhân đa phần đều xuất phát từ việc chăm sóc trẻ không đúng cách. Chẳng hạn, việc cha mẹ cho quá nhiều chất đạm vào mỗi bữa ăn sẽ khiến trẻ bị đầy bụng, không có cảm giác thèm ăn; hay bắt trẻ ăn mãi một loại thức ăn cũng sẽ khiến các bé thấy nhàm chán. 

Biếng ăn là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ. Theo ước tính, khi mới sinh ra, chỉ có khoảng 5% trẻ biếng ăn. Tuy nhiên, khi lên 2 tuổi, tỷ lệ này lên đến 30-40%. 

Tương tự, khi bữa ăn hàng ngày không cân đối, không đầy đủ 4 nhóm chất: đạm, béo, xơ, vitamin và khoáng chất sẽ dẫn tới thiếu hụt vi chất dinh dưỡng từ đó giảm khả năng hấp thụ của đường tiêu hóa… 

Để đánh giá trẻ có biếng ăn hay không, các chuyên gia đưa ra 5 dấu hiệu để nhận biết. Thứ nhất, đó là thời gian ăn của trẻ quá dài, từ 30 phút trở lên. Thứ hai, khi so sánh cân nặng, chúng ta thấy trẻ nhẹ cân hơn so với tiêu chuẩn.

Thứ ba, trẻ chỉ thích ăn những thức ăn quen thuộc, không thích những thức ăn mới. Thứ tư, trẻ biếng ăn thường hay mè nheo, quấy khóc, giả vờ đau bụng trong giờ ăn. Dấu hiệu cuối cùng là số bữa ăn hoặc lượng thức ăn của trẻ ít hơn so với những trẻ khác.

Thông thường, khi thấy bé có 1 trong 5 dấu hiệu trên, cha mẹ cần chú ý điều chỉnh lại chế độ ăn uống của trẻ, xem cách chế biến có phù hợp không, trẻ có hay ăn vặt trước mỗi bữa không… Và khi có từ 2 dấu hiệu trở lên thì bạn nên đưa bé đến khám tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân thực sự gây ra vấn đề này. 

Dạ dày - bệnh của tâm lý?

Khi trẻ biếng ăn, đa phần chúng ta sẽ có xu hướng ép trẻ ăn đủ lượng thức ăn theo mong muốn. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, ép ăn còn là nguyên nhân khiến trẻ mắc thêm các bệnh lý, trong đó, đáng chú ý nhất là viêm loét dạ dày.

Lý giải về điều này, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: Khi bị ép ăn, nhiều trẻ sẽ có xu hướng giả vờ đau bụng hay buồn nôn để không phải ăn nữa. Lúc đầu, đó chỉ là phản xạ tự nhiên của cơ thể, nhưng dần dần sẽ trở thành bệnh lý. Không những vậy, khi thường xuyên bị ép ăn, trẻ sẽ bị stress và những căng thẳng trong tâm lý này cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến dạ dày.

 Khi trẻ biếng ăn, nhiều gia đình thường bổ sung men tiêu hóa. Tuy nhiên, thực tế thì việc tự ý bổ sung men tiêu hóa cho con lại hại nhiều hơn lợi. 

Nguyên nhân là bởi bổ sung men tiêu hóa là bổ sung vào cơ thể các enzyme có tác dụng thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn. Thông thường, cơ thể sẽ tự tiết ra các enzyme này, nên nếu chúng ta tự ý bổ sung men tiêu hóa trong một thời gian dài, liên tục, cơ thể sẽ ngừng tiết enzyme nội sinh, dẫn đến tình trạng ức chế các tuyến tiêu hóa, làm trẻ phụ thuộc vào men. Vì vậy, khi sử dụng men tiêu hóa, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Và cho dù sử dụng loại men nào, liều lượng ra sao thì thời gian dùng thuốc cũng không nên quá 10 ngày.