Tranh chấp và lừa đảo trong lĩnh vực XKLĐ: Gia tăng và phức tạp

(ANTĐ) - Hiện nay,  hầu hết các thị trường lao động Việt Nam (cả thị trường truyền thống và thị trường mới) đều cắt giảm nhu cầu hoặc có chính sách hạn chế nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Tranh chấp và lừa đảo trong lĩnh vực XKLĐ: Gia tăng và phức tạp

(ANTĐ) - Hiện nay,  hầu hết các thị trường lao động Việt Nam (cả thị trường truyền thống và thị trường mới) đều cắt giảm nhu cầu hoặc có chính sách hạn chế nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Tổ chức học ngoại ngữ cho người lao động trước khi xuất cảnh ra nước ngoài
Tổ chức học ngoại ngữ cho người lao động trước khi xuất cảnh ra nước ngoài

Do vậy, năm 2009, chỉ có 73.028 lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài, đạt 83% chỉ tiêu kế hoạch năm và giảm 17% so với lượng lao động đưa đi năm 2008. Có những địa phương số lượng lao động đưa đi của năm 2009 chưa đến 100 người, hoặc chỉ đạt khoảng 10% so với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Chỉ tính từ đầu năm 2008 đến giữa năm 2009, đã có khoảng 9.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn do bị thiếu việc làm.

Tuy nhiên tranh chấp và lừa đảo trong lĩnh vực XKLĐ có chiều hướng gia tăng, thể hiện ở việc số lượng đơn thư có liên quan đến hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng tăng về số lượng, phức tạp về tính chất, nhiều trường hợp khiếu kiện tập thể. Theo số liệu của của Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB và XH, nếu như năm 2006 Cục này tiếp nhận 212 đơn thư, trong đó có 1 đơn đòi hỏi chế độ thì năm 2008 đã tiếp nhận 331 đơn thư, có 10 đơn đòi hỏi chế độ. Đến năm 2009 số lượng đơn thư đã lên 521 (tăng 145% so với năm 2006), trong đó có 55 đơn đòi hỏi chế độ.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) - Bộ Công an cho biết, trong năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010 nhận được 25 đơn trong lĩnh vực này, phần lớn nội dung vừa tố cáo, vừa khiếu nại. Nội dung các đơn thư chủ yếu tập trung vào việc làm của người lao động không đúng với hợp đồng đã ký với doanh nghiệp trước khi xuất cảnh; chủ sử dụng lao động không trả đủ tiền lương tháng cho người lao động; các khoản khấu trừ tiền lương của người lao động không rõ ràng; điều kiện sinh hoạt tối thiểu không đảm bảo; lao động nộp tiền cho doanh nghiệp, chờ lâu không được xuất cảnh nhưng không được doanh nghiệp hoàn trả đầy đủ khoản tiền đã nộp...

Cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động. Điển hình: Tháng 4-2009, C46 phát hiện Công ty TNHH Sinh Thái Việt Nam (VINECO) có trụ sở tại 57 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội hoạt động từ tháng 10-2008 do Trần Ngọc Hương làm giám đốc và vợ là Nguyễn Thị Phương - Phó giám đốc. Công ty VINECO không được Cục Quản lý lao động ngoài nước - cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài nhưng bằng thủ đoạn cung cấp cho những người liên hệ ký hợp đồng đi XKLĐ tại Hàn Quốc những giấy tờ giả mạo, như thông báo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH cho phép Công ty Chan shin Việt Nam đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và thông báo của Công ty TNHH UNIPAX tại khu công nghiệp AMATA thành phố Biên Hòa, Đồng Nai về việc tổ chức cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Qua xác minh được biết Công ty TNHH UNIPAX và Công ty Chan shin Việt Nam không có giấy phép XKLĐ, không ban hành thông báo tuyển lao động đi Hàn Quốc.

Vụ việc được chuyển cho PC46 CATP Hà Nội tiếp tục điều tra. Đến tháng 6-2010, Trần Ngọc Hương đã bị bắt, Nguyễn Thị Phương bỏ trốn. Khi khám xét trụ sở Công ty VINECO và nhà riêng của đôi vợ chồng này đã thu giữ hàng chục bộ hồ sơ XKLĐ. Bản thân Hương đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Một số doanh nghiệp có chức năng XKLĐ chưa thực hiện đúng quy định trong hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, chưa thẩm định, khảo sát kỹ các điều kiện về công việc, về sinh hoạt của người lao động, thậm chí có trường hợp DN ký hợp đồng với đối tác ở nước ngoài qua “cò”, các cuộc thương thảo đều trên điện thoại, nội dung hợp đồng không rõ ràng, đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của các bên. Công tác quản lý lao động làm việc ở nước ngoài không được các doanh nghiệp quan tâm thường xuyên, khi phát sinh phức tạp doanh nghiệp giải quyết không kịp thời và triệt để.

Bên cạnh đó, bản thân nhiều người chưa cố gắng vươn lên để học tập các kiến thức cần thiết mà người lao động cần phải biết trước khi đi làm việc ở nước ngoài để chủ động bảo vệ mình khi có phát sinh liên quan. Nhiều người vẫn còn tư tưởng muốn đi XKLĐ nhanh, ngại học, không đọc kỹ nội dung hợp đồng nhưng đã ký hoặc điểm chỉ vào hợp đồng. Ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài còn yếu dễ nảy sinh tiêu cực, manh động, thường hành động theo ý chủ quan của mình, vô tình vi phạm pháp luật của nước sở tại và hợp đồng ký giữa các bên.

Do vậy, trong thời gian tới để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và doanh nghiệp, giải quyết thỏa đáng những phát sinh liên quan đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giảm thiểu tình trạng đơn thư khiếu nại cần phải có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, chỉ đạo và nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp XKLĐ và người lao động trong công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm các bên cũng như cách thức giải quyết những vấn đề phát sinh khi tham gia hoạt động XKLĐ.  

Phạm Vũ