Tranh chấp mua bán trực tuyến ngày càng tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), có 24,4% doanh nghiệp ghi nhận từng có tranh chấp với người mua, bên bán hoặc cả hai trong thời gian qua. Trong đó, xu hướng tranh chấp ở môi trường giao thương trực tuyến ngày càng nhiều.
Tranh chấp trong thương mại điện tử tăng nhưng giải quyết còn nhiều vướng mắc

Tranh chấp trong thương mại điện tử tăng nhưng giải quyết còn nhiều vướng mắc

Ông Nguyễn Anh Dương- Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, thương lượng vẫn là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến nhất giữa bên bán và bên mua. Thời gian để giải quyết tranh chấp rất đa dạng: Có 5,65% vụ việc hoàn tất dưới 1 tháng; 27,17% hoàn tất từ 1-3 tháng; 15,22% vụ việc hoàn tất từ 3-6 tháng.

Theo Luật sư Châu Việt Bắc- Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tỷ lệ trên khá thấp do với dự đoán.

"Trong thực tế, chúng tôi tiếp nhận những bên liên hệ tư vấn về vi phạm quyền lợi phát sinh thời gian qua, nhất là giai đoạn Covid-19 rất nhiều. Có thể do doanh nghiệp nghĩ rằng các bất đồng cần phân xử của trọng tài hay tòa án thì mới gọi là tranh chấp"- ông Châu Việt Bắc nói.

Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), năm 2019, Cục đã tiếp nhận và xử lý 250 lượt phản ánh các hành vi như: không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.

Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2020, các website và các sàn đã xử lý khoảng 17.410 gian hàng và 34.620 sản phẩm vi phạm.

Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, mặc dù đa số nền tảng bán hàng trực tuyến hiện nay đều có quy trình giải quyết tranh chấp nhưng cơ chế thực thi còn nhiều hạn chế.