“Trang trại” trong nhà

ANTĐ - Những vườn rau xanh mướt, những hồ thả cá mini được tận dụng trong không gian sống là cách mà nhiều gia đình đang làm để hỗ trợ bữa ăn trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng lên từng ngày và cả mối lo về thực phẩm bẩn.

Nhiều người dân tận dụng sân thượng để trồng rau sạch

Vườn rau sạch “mini”

Với số tiền đầu tư ban đầu khoảng 500.000 đồng cho việc mua đất sạch, hạt giống xà lách, cải bẹ, rau muống, các loại rau thơm… cùng những chiếc hộp xốp cỡ vừa, chị Hoàng Tú Lan, ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình chỉ mới gieo hạt từ giữa tháng 6, nhưng đến nay cả khoảng ban công nhà chị đã phủ một màu xanh mơn mởn, bởi vườn rau “mini”. Chị Lan khoe: “Cả tháng nay, gia đình tôi hầu như không phải mua rau ngoài chợ. Ngoài có thêm khoản tiền tiết kiệm, còn mọi người trong gia đình tôi hoàn toàn yên tâm vì được ăn rau sạch, không hoá chất, không thuốc trừ sâu”. 

Theo chị Lan, trồng rau mầm nghe qua tưởng dễ nhưng khi bắt tay vào làm lại không đơn giản. Từ khi gieo hạt đến lúc lên mầm là cả một công đoạn chăm sóc hết sức kỹ càng, không kể việc thường xuyên phải “để mắt” canh chừng sâu bọ hay các yếu tố thời tiết. Chị Lan chia sẻ kinh nghiệm: “Khi rau đã ra mầm nên chuyển chậu ra ngoài nắng hoặc nơi có nhiều ánh sáng, tránh chỗ mưa trực tiếp. Loại rau ăn quả nên trồng ở khay cao tầm 30cm còn loại ăn lá thì trồng ở khay khoảng 15cm”. Giờ đây, sau mỗi ngày làm việc,  chị Lan lại có thêm niềm vui là chăm sóc vườn rau, tưới nước, bắt sâu. “Chăm sóc rau cũng như chăm một đứa trẻ vậy, bận nhưng vui. Thời gian tới, tôi sẽ trồng thêm một số loại cây leo khác để bổ sung thực phẩm cho gia đình”, chị Lan hào hứng.

Không eo hẹp về diện tích đất trồng như chị Lan, gia đình bác Nguyễn Thu Tuệ, nằm trên đường Quảng An, ven Hồ Tây có hẳn một vườn rau với diện tích gần 30m2. Xuất phát từ việc khu vực nhà bác Tuệ ở vẫn còn nhiều khu đất trống chưa xây dựng, nên tranh thủ những ngày nghỉ bác cùng cô con dâu mua hạt giống và dụng cụ phục vụ cho việc trồng rau. Khu vườn bây giờ xanh um với đủ loại rau từ rau muống, rau cải, rau dền… đến rau thơm như húng, mùi hay cả xà lách. Ngoài ra, bác Tuệ còn dựng thêm giàn mướp, giàn gấc như một trang trại thu nhỏ. “Trung bình mỗi ngày chúng tôi thu hoạch được gần 1kg rau gồm cả rau thường đến rau thơm, tính ra cũng tiết kiệm được 400.000 đồng/tháng”.

Bà Phan Thu Nga - giảng viên trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho rằng: “Trồng rau trong nhà trên diện tích nhỏ sẽ dễ kiểm soát sâu bệnh. Người trồng nên bắt sâu, ngắt ổ trứng bằng tay. Hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là đối với các loại rau ăn sống. Để phòng trừ bệnh hại nên chú ý sử dụng khay/chậu, giá thể sạch, hạt giống sạch bệnh, hạn chế tưới lên lá (ẩm độ không khí, tán lá càng cao, sâu bệnh càng phát sinh phát triển và gây hại). Nếu phải sử dụng thuốc trừ bệnh thì cần sử dụng đúng loại thuốc (ví dụ trừ bệnh lở cổ rễ, sương mai có thể dùng Ridomil...), ưu tiên sử dụng thuốc thảo mộc, thuốc có độ độc thấp, nhanh phân hủy”.

Tận dụng thả cá, nuôi gà sạch

Không chỉ trồng rau sạch, nhiều gia đình có diện tích đất rộng ở những vùng nội thành, nhưng xa trung tâm như Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên còn nuôi gà, thả cá. Anh Vũ Văn Vận, ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm đã cùng một số người hàng xóm chung tiền mua cá giống về thả xuống hồ nằm ngay trong vườn nhà. Cách làm này không chỉ cung cấp thêm thức ăn tươi mà còn tiết kiệm đáng kể cho túi tiền gia đình. Để có được hồ nuôi thiên nhiên, anh cùng với các gia đình xung quanh dành trọn 1 ngày để dọn nước trong ao, làm bờ, xử lý kỹ thuật để đảm bảo nguồn nước sạch cho cá có thể sống được.

Anh Vận cho biết: “Theo kinh nghiệm, thả cá vào thời điểm này sẽ giúp cá nhanh phát triển hơn. Với số vốn 2 triệu đồng bỏ ra ban đầu, chỉ 1 tháng nữa, nếu chăm sóc tốt, cá phát triển nhanh, gia đình tôi và những hộ chung vốn sẽ có cá vừa tươi, vừa sạch để cải thiện bữa ăn hàng ngày”. Thậm chí, hiện nay, gia đình anh Vận còn nuôi một đàn gà gần 20 con. Anh Vận cho biết, cứ sau giờ làm việc, tôi lại có thú vui chăm gà, thả cá, vợ con vừa yên tâm mà cũng tiết kiệm được một khoản đáng kể trong sinh hoạt gia đình”.

Tương tự, chị Nguyễn Như Thảo, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên lại có cách làm khá sáng tạo. Diện tích khu đất gia đình chị không được rộng rãi, lại không có khoảng trống để trồng rau, thả cá. Tuy nhiên, hàng tuần chị vẫn có thể chế biến đủ các loại món cá theo khẩu vị của gia đình. Bởi chị đã nghĩ ra cách mua một số cá giống, hạt giống các loại rau để đưa về “gửi” ông bà ngoại ở Đan Phượng, chăm sóc. Thi thoảng, cuối tuần, vợ chồng chị Thảo và 2 đứa con lại về quê để cùng làm vườn, ao, chuồng, lao động như những nông dân thực thụ.

Chị Thảo bộc bạch: “Thật ra tiết kiệm cũng chẳng được bao, nhưng cái chính là vợ chồng tôi muốn giáo dục con cái yêu lao động, hiểu được sự vất vả một nắng, hai sương của những người nông dân mà thêm trân trọng giá trị cuộc sống. Hơn nữa, bây giờ thực phẩm sạch cũng chưa được kiểm định gắt gao nên cứ cây nhà, lá vườn cho yên tâm”. Chị cũng Thảo cho biết, bẵng một thời gian không đi chợ, cuối tuần vừa chị không kịp về quê nên đi chợ gần nhà mua thức ăn về cải thiện cho gia đình mới giật mình vì cái gì cũng lên giá. Người bán ở chợ cho rằng giá cả hàng hóa tăng liên tục nên mọi thứ cũng đội giá theo. “Thế mới biết gia đình tôi cũng tiết kiệm được kha khá vì không phải chịu cảnh mua giá cá cao ngất ngưởng. Thay vào đó, ăn những loại thực phẩm do mình nuôi cảm thấy ngon và yên tâm hơn rất nhiều”…