"Trang trại thẳng đứng" trong thành phố

ANTĐ - Mô hình trang trại được một doanh nhân người Mỹ áp dụng không chỉ giúp người dân thành thị tự sản xuất, cung cấp thực phẩm xanh cho chính mình mà còn không gây ô nhiễm môi trường. Giải pháp "nông trại thẳng đứng" đang trở thành xu hướng ở nhiều thành phố trên thế giới.

"Trang trại thẳng đứng" trong thành phố ảnh 1
Các khâu trong trang trại tạo thành một vòng tròn khép kín

Biến nhà máy cũ thành trang trại

Một nhà máy đóng gói thịt hộp cũ ở phía nam Chicago, Mỹ đã được chuyển đổi thành một trang trại sinh thái mà người sáng lập cho biết nó sẽ sản xuất ra các loại thực phẩm bền vững, trong khi không hề tạo ra chất thải. Doanh nhân người Mỹ John Edel là người sáng lập “nhà máy” - sáng kiến kiểu nông trại thẳng đứng mà ông hy vọng sẽ cho mọi người thấy cách dễ dàng thích ứng với việc sản xuất “thực phẩm xanh” trong môi trường đời sống đô thị.

Nông trại thẳng đứng là một khái niệm nông nghiệp đô thị mà ở đó thực phẩm được sản xuất bên trong hay trên nóc các tòa nhà. Để mô hình này hoạt động hiệu quả, những nông dân đô thị sử dụng nhiều kỹ thuật, bao gồm cả kỹ thuật thủy canh - trồng thực vật dưới nước và sử dụng các sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản để hỗ trợ chăm bón cho thủy canh.

Trong khi dân số thế giới vượt quá con số 7 tỷ người và tốc độ đô thị hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng, việc tìm kiếm không gian để trồng trọt đang là một thách thức. Đó là lý do khiến cho Edel và các cộng sự của ông phát triển nhà máy này. Từ năm 2010, Edel bắt đầu chuyển đổi mô hình nhà máy sản xuất thịt hộp của mình và sau hơn hai năm, nhà máy đã mở cửa để tiếp đón công chúng và các cơ hội kinh doanh. "Chúng tôi hạn chế đến mức tối thiểu việc sản sinh ra chất thải, đồng thời sử dụng càng ít nguồn tài nguyên càng tốt. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng một bể phân hủy khí để tiến tới không còn chất thải" -  doanh nhân Edel giải thích quy trình hoạt động của trang trại.

Bể phân hủy khí của nhà máy đã sử dụng vi khuẩn để phân hủy chất thải hữu cơ thành khí sinh học - bao gồm khí methane và carbon dioixide cùng vật liệu có thể sử dụng làm phân bón. Một hệ thống kết hợp nhiệt và điện sẽ chuyển đổi khí methane thành năng lượng mà Edel nói rằng sẽ giúp nhà máy không phải phụ thuộc vào lưới điện và cho phép nó sản xuất ra một lượng lớn thực phẩm mà không tạo ra chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Tạo chu trình khép kín

Ngay từ lúc còn đang trong quá trình xây dựng, nhà máy đã có 5 người gồm một người thuê trang trại thủy canh, một người thuê lò nướng bánh, một người thuê trang trại cá giống, một người trồng nấm và một người trồng chè. Sản phẩm của họ được bán cho các nhà hàng ở địa phương, các quán cà phê, ở chợ cũng như được sử dụng để "tự cung tự cấp" cho nội bộ trang trại. 

Tái chế cũng là một phần quan trọng trong quy trình sản xuất của nhà máy và những người thuê trang trại cùng phối hợp với nhau để sử dụng chất thải trong sản xuất thực phẩm và kỹ thuật canh tác. Chẳng hạn như, chất thải từ cá rô phi được sử dụng để trồng cây thủy sinh. Cây hấp thụ nitrate, làm sạch nước rồi lại được tận dụng làm thức ăn cho cá, tạo thành một chu trình khép kín. Ông Edel cho biết, chìa khóa của trang trại này là các vòng tuần hoàn khép kín: vòng năng lượng, vòng tiền... bằng cách duy trì công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nếu khép kín các vòng tròn như vậy, công việc sẽ được duy trì bền vững hơn.

Trang trại này được Sở Thương mại và hợp tác kinh tế bang Illinois hỗ trợ 1,5 triệu USD và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, với  một bên phi lợi nhuận và một bên vì lợi nhuận. Nhà máy này cũng cung cấp các tour tham quan cho những người dân quan tâm và tiến hành các bài hướng dẫn, các chương trình tiếp cận cộng đồng để chỉ cho họ thấy những cách thức trồng trọt trong những môi trường đô thị khác nhau. Ông Edel hy vọng trang trại sẽ đi vào hoạt động toàn diện vào năm 2014  và tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm người dân địa phương.