Trắng đêm cho Tết bình yên

Sau tiếng còi hiệu lệnh, các cảnh sát cơ động Hà Nội nhanh chóng tập hợp, kiểm tra tư trang ra ôtô lên đường làm nhiệm vụ tại hồ Hoàn Kiếm, công viên Lênin, hồ Tây - nơi người dân đang háo hức đón giao thừa.

Trắng đêm cho Tết bình yên

Sau tiếng còi hiệu lệnh, các cảnh sát cơ động Hà Nội nhanh chóng tập hợp, kiểm tra tư trang ra ôtô lên đường làm nhiệm vụ tại hồ Hoàn Kiếm, công viên Lênin, hồ Tây - nơi người dân đang háo hức đón giao thừa.

Tối 30 Tết, doanh trại của C2 trung đoàn Cảnh sát cơ động Hà Nội ở quận Tây Hồ đầy ắp tiếng cười. Những chiến sĩ trẻ tất bật chuẩn bị loa, đài, đàn ghi ta, xếp bàn ghế trong hội trường lớn để đón giao thừa.

Lãnh đạo Đại đội 2 giao nhiệm vụ cho cán bộ trước khi lên đường.
Lãnh đạo Đại đội 2 giao nhiệm vụ cho cán bộ trước khi lên đường.

"Từ 21h chúng tôi phải ra đường làm nhiệm vụ nên anh em tranh thủ "ăn" Tết sớm. Năm nào cũng vậy mà...", viên trung úy cười tươi. Anh cho biết, trước đó hơn chục ngày hơn 70 anh em trong Đại đội đã phải trực 100% quân số.

Sau lời chúc Tết của lãnh đạo đơn vị, họ cụng ly theo tiếng nhạc. Được cổ vũ nhiệt tình của anh em trong đơn vị, hạ sĩ Phạm Văn Trung lần đầu ăn Tết xa nhà mạnh dạn vừa đàn vừa hát liền hai ca khúc "Hát về anh" và "Hành khúc công an nhân dân".

Tủm tỉm cười, Trung tâm sự đây lần đầu tiên được đón Tết với đông người như vậy. Vắng người thân nhưng bù lại anh nhận được sự động viên của nhiều đồng nghiệp đi trước.

Chàng trai Hà Nội mới vào nghề bảo, vài ngày trước anh liên tục nghe cán bộ trong đơn vị rôm rả kể chuyện Tết. Những kỷ niệm vui buồn trong nghề cũng được chia sẻ. "Không khí đón giao thừa năm nay với em khó có thể quên", anh nói.

Ngồi kế bên đồng đội, đại úy Hoàng Văn Tuấn (37 tuổi) từng trải qua cảm giác của "lính mới tò te" nên hiểu và thông cảm được phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu của các chiến sĩ trẻ. Vị Đại đội phó tâm sự, 18 năm trong ngành là từng đó năm anh ăn Tết không trọn vẹn với vợ con và gia đình.

10 năm trước khi vừa lấy vợ, anh liên tục bị bà xã trách móc vì không đón giao thừa ở nhà. Chẳng cách nào khác, anh đành rủ vợ lên đơn vị cùng đón thời khắc chuyển giao năm mới. Đây cũng là dịp để vợ hiểu và thông cảm công việc của chồng.

"Cô ấy ngồi ở phòng khách còn tôi thì phải ngồi ở phòng khác để chờ làm nhiệm vụ. Chốc chốc, chúng tôi chạy qua chạy lại nhìn và cười", anh Tuấn kể.

Ngày trước đóng quân xa nhà hàng chục km, 3 năm nay khi đơn vị chuyển về gần nhưng anh cũng không được đón giao thừa bên người thân. Ít ngày trước Tết, anh đã tranh thủ thời gian mua quần áo mới, sắm những món đồ cần thiết cho vợ, con.

"Có lẽ giao thừa này tôi lại chúc 3 mẹ con bằng điện thoại. Cả nhà ai cũng thông cảm nghiệp của nhà binh", Đại đội phó C2 nói.

Cũng như anh Tuấn, Tết năm nay thượng sĩ Doãn Quý Long cũng phải xa vợ khi vừa lập gia đình tròn một tháng. Chiến sĩ 26 tuổi chia sẻ, dù được lãnh đạo tạo điều kiện về với tổ ấm mới nhưng anh vẫn tình nguyện xin ở lại trực cùng anh em.

Bên ly rượu vang, Long tiết lộ để "một nửa" đón năm mới ở nhà chồng... anh không yên tâm nên Long đã "gửi tạm vợ" ở nhà ngoại đến hết Tết. "Hai vợ chồng em năm nay chắc lại gửi gắm lời yêu thương qua điện thoại thôi. Cả năm mới có vài ngày Tết nên cố cũng chẳng sao. Khi hoàn thành nhiệm vụ về bù đắp sau cũng chưa muộn mà...", Long dí dỏm.

Cuộc vui chưa tàn nhưng đồng hồ đã điểm gần 21h. Đây cũng là lúc cán bộ Đại đội 2 hối hả bắt tay lên đường làm nhiệm vụ. Sau tiếng còi, kiểm tra quân tư trang, hàng chục người nhanh thoăn thoắt ra xe tập trung. Ít phút, bóng dáng họ hòa lẫn cả nghìn người đang hân hoan chào đón năm mới ở hồ Hoàn Kiếm, công viên Lênin, hồ Tây...

Trung tá Trương Xuân Phúc (Đại đội phó C2) tâm sự những năm trước sáng mùng một Tết khi mọi người sau giấc ngủ yên bình hồ hởi đi đón xuân thì anh em cảnh sát cơ động mới lục tục rời vị trí được phân công. "Năm nay hy vọng người dân thủ đô sẽ tiếp tục có một cái Tết an lành", vị cán bộ hơn 30 năm trong ngành xoa đôi bàn tay để xua tan cái lạnh 12 độ C trong tối giao thừa.

Trung đoàn cảnh sát cơ động Hà Nội cho biết, chống đua xe trái phép là nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng này. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi chúc Tết, cảnh sát cơ động còn có mặt tại quảng trường, nhà ga... để giải quyết những vụ việc phức tạp (nếu có) đảm bảo nhân dân vui xuân.

Theo VNE