Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho các cơ sở tôn giáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC - CNCH) ngay tại cơ sở, kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót dẫn đến nguy cơ cháy, nổ, Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn công tác PCCC - CNCH, tặng bình chữa cháy cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn xã Vĩnh Quỳnh.
Cảnh sát PCCC - CNCH, CAH Thanh Trì hướng dẫn kỹ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy

Cảnh sát PCCC - CNCH, CAH Thanh Trì hướng dẫn kỹ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy

Tại buổi tuyên truyền, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC - CNCH, CAH Thanh Trì đã thông tin về tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước, thành phố Hà Nội và huyện trong thời gian qua; tuyên truyền những kiến thức cơ bản của công tác PCCC - CNCH; nguyên nhân của các vụ cháy, nổ; biện pháp bảo đảm an toàn khi sử dụng các thiết bị điện, đun nấu, nhất là việc đốt vàng mã.

Báo cáo viên của CAH Thanh Trì cũng hướng dẫn đại diện các cơ sở tôn giáo sử dụng một số trang thiết bị PCCC tại chỗ, cũng như quy trình tổ chức cứu chữa một vụ cháy, kỹ năng thoát ra ngoài khi không may có cháy, nổ xảy ra.

Sau phần lý thuyết, các học viên được thực hành cách sử dụng các phương tiện bình bột, bọt khí để dập tắt đám cháy và một số cách thức xử lý nhanh các tình huống có thể xảy ra...

Sư thầy Thích Đàm Hoài, Trụ trì chùa Phúc Long (chùa Đống) huyện Thanh Trì cho biết: “Nhà chùa có quy định người dân và du khách không thắp nhang bên trong chùa và hạn chế tối đa việc sử dụng vàng mã, nơi đốt mã được bố trí cách xa khu vực thờ tự; chùa thường xuyên thông báo trên loa phóng thanh, nhắc nhở du khách đến hành lễ, chiêm bái tại chùa không vi phạm các quy định này. Quá trình hành lễ đều có sự kiểm tra, giám sát, nhắc nhở của Ban quản lý chùa. Hệ thống lưới điện trong khu vực nhà chùa đều đảm bảo an toàn, trang bị bình chữa cháy xách tay và các bảng tiêu lệnh PCCC, do đó nhiều năm qua, tại chùa không xảy ra sự cố cháy, nổ. Nhà chùa luôn chủ động trang bị mới và kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện PCCC như họng nước, xô, bình chữa cháy xách tay và nhà chùa luôn phân công người tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ năng PCCC - CNCH do Công an huyện Thanh Trì tổ chức, nhằm bảo đảm xử lý nhanh nhất khi xảy ra cháy”.

Cán bộ Cảnh sát PCCC - CNCH, CAH Thanh Trì hướng dẫn nhà chùa sử dụng bình chữa cháy an toàn, hiệu quả

Cán bộ Cảnh sát PCCC - CNCH, CAH Thanh Trì hướng dẫn nhà chùa sử dụng bình chữa cháy an toàn, hiệu quả

Theo Thượng tá Lã Văn Tuyên, Phó trưởng CAH Thanh Trì: “Trên địa bàn huyện có 154 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 23 di tích xếp hạng cấp Thành phố, 65 di tích xếp hạng cấp Quốc gia. Các di tích này có đặc điểm kiến trúc theo lối cổ với nhiều cấu kiện gỗ và vật liệu dễ cháy như vàng mã, hương, nến, vải… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về PCCC. Thời gian tới, Công an huyện Thanh Trì tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa, giám sát chặt chẽ công tác quản lý Nhà nước về PCCC đối với các cơ sở tôn giáo; đề ra các biện pháp đảm bảo an toàn cụ thể, bám sát thực trạng chung trên địa bàn quản lý trong lĩnh vực PCCC, coi trọng công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC - CNCH”.

Công an huyện Thanh Trì tuyên truyền kỹ năng PCCC - CNCH tại cơ sở Phật giáo trên địa bàn

Công an huyện Thanh Trì tuyên truyền kỹ năng PCCC - CNCH tại cơ sở Phật giáo trên địa bàn

​Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Công an huyện Thanh Trì khuyến cáo ban quản lý các cơ sở tôn giáo niêm yết các nội quy PCCC để người dân, du khách thập phương thực hiện; chủ động tự kiểm tra an toàn phòng, chống cháy, nổ và xây dựng phương án PCCC - CNCH; bố trí người giám sát việc đốt nến, thắp đèn, hóa vàng mã...

Mỗi người dân cần nâng cao vai trò, nhận thức về công tác PCCC khi dâng hương, lễ chùa, để góp phần đảm bảo an toàn cháy, nổ tại các di tích, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của chính mình.