Trang bị hiện đại cho cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

ANTĐ - Đầu năm 2012, lực lượng sẽ được trang bị loại tàu trên 2.000 tấn hoạt động liên tục 40 ngày đêm trên biển trong điều kiện gió cấp 12, sóng cấp 9 và được trang bị cả máy bay để làm nhiệm vụ.

Trả lời báo chí bên lề hội nghị quốc tế với sự tham gia của đại diện lực lượng cảnh sát biển 18 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á ngày 7-7 tại Hà Nội, Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển, khẳng định  cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chủ trì để duy trì an ninh trật tự, thực thi pháp luật trên biển, đặc biệt là từ vùng đặc quyền kinh tế và vùng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.


Tăng cường bảo vệ ngư dân


Trung tướng Phạm Đức Lĩnh cho biết cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm tra trên biển để bảo vệ ngư dân đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, do khó khăn cả về chủng loại  và số lượng phương tiện nên đến nay, lực lượng này mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% đến 40% nhu cầu. Nhằm bảo vệ hữu hiệu ngư dân nước ta, lực lượng cảnh sát biển đã tổ chức lại phương thức hoạt động để duy trì sự có mặt càng nhiều ngày càng tốt, nhất là các vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các nước.

Trang bị hiện đại cho cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ảnh 1
Cảnh sát biển Việt Nam ngày càng được trang bị hiện đại. Ảnh: TƯ LIỆU

Theo tướng Lĩnh, xuất phát từ tầm quan trọng của cảnh sát biển, mặc dù gặp khó khăn về kinh tế, Chính phủ đã đầu tư các phương tiện hiện đại để duy trì trật tự an ninh trên biển. Đầu năm 2012, lực lượng sẽ được trang bị loại tàu trên 2.000 tấn hoạt động liên tục 40 ngày đêm trên biển trong điều kiện gió cấp 12, sóng cấp 9 và được trang bị cả máy bay để làm nhiệm vụ.


Khẳng định chủ quyền trên biển


Trả lời câu hỏi liệu vấn đề biển Đông có được đưa ra tại hội nghị lần này, Trung tướng Phạm Đức Lĩnh cho biết các bên sẽ chỉ bàn chung về bảo vệ an ninh trật tự trên biển, duy trì môi trường hòa bình, tăng cường và hợp tác an ninh trên biển.


Đề cập tới những va chạm gần đây ở biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, Trung tướng Phạm Đức Lĩnh nói bảo vệ thăm dò tài nguyên dầu khí trên vùng biển Việt Nam có trách nhiệm của lực lượng cảnh sát biển. Bộ Quốc phòng đã giao cho quân chủng hải quân là lực lượng nòng cốt, tổng chỉ huy bảo vệ hoạt động dầu khí của Việt Nam. “Nếu nước ngoài đến thăm dò dầu khí của Việt Nam, đã là chủ quyền của mình, chúng ta bảo vệ đến cùng. Không có chuyện chúng ta nhún nhường. Đây không phải là vùng biển chồng lấn hay tranh chấp mà là vùng biển của Việt Nam” - tướng Lĩnh khẳng định. 


Theo Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, là thành viên của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nên Việt Nam phải làm đúng trách nhiệm của nước thành viên và yêu cầu nước khác cũng làm như vậy. Nếu có nước nào định đặt giàn khoan vi phạm vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam, chúng ta quyết tâm bảo vệ đến cùng và đấu tranh bằng mọi phương thức: pháp lý, ngoại giao… với sự tham gia của tất cả lực lượng, huy động sức mạnh tổng lực của các đơn vị, bằng mọi biện pháp có thể. Trung tướng Phạm Đức Lĩnh cũng cho biết đã đề nghị Chính phủ cho phép lập đường dây nóng giữa cảnh sát biển Việt Nam với cảnh sát biển Trung Quốc để đưa ra quy chế hoạt động chung.


Chia sẻ quan điểm về an ninh trên biển

Hội nghị đại diện lực lượng cảnh sát biển 18 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á nhằm trao đổi và đề xuất các sáng kiến, xây dựng chương trình, nội dung và tài liệu liên quan để chuẩn bị cho Hội nghị Những nhà đứng đầu cảnh sát biển các nước châu Á lần thứ 7 vào tháng 10-2011.

Hội nghị tập trung trao đổi và chia sẻ quan điểm về thách thức an ninh trên biển hiện nay như cướp biển, khủng bố, phổ biến vũ khí, buôn người, vận chuyển ma túy, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai... đối với khu vực cũng như vai trò của lực lượng cảnh sát biển.