Trần lãi suất sẽ giảm 1%

ANTĐ - Đó là thông tin đáng chú ý nhất được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình công bố tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều qua, 6-3. Cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, trần lãi suất vào cuối năm 2012 có thể hạ xuống dưới mức 10%.

Mặt bằng lãi suất sẽ giảm dần trong năm 2012

Không có chuyện thu hồi đất rồi chia lại

Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thông báo nhanh tới báo chí về đánh giá của Chính phủ xung quanh tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2012. Theo đó, Chính phủ nhận định, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chính sách kiềm chế lạm phát đang đi đúng hướng. Lạm phát 2 tháng đầu năm thấp nhất trong nhiều năm qua, tuy vậy, Chính phủ cho rằng, không thể chủ quan bởi sản xuất kinh doanh hiện còn nhiều khó khăn. Lãi suất còn cao, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn...

Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh việc điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ nhất quán quan điểm điều hành thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Về thông tin một số đại lý xăng dầu có biểu hiện găm hàng, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính có trách nhiệm xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp này theo thẩm quyền. Ông nói: “Không riêng gì xăng dầu, với các mặt hàng khác, nếu cơ sở kinh doanh có hành vi làm trái pháp luật, trục lợi, ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng thì đều phải được xử lý nghiêm khắc...”.

Liên quan tới việc thời gian giao đất nông nghiệp theo Luật Đất đai 1993 sắp hết vào năm 2013, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Bộ TN-MT có trách nhiệm tham mưu và Chính phủ sẽ thảo luận về vấn đề này. Luật Đất đai đã quy định, với tinh thần chung là hết thời hạn giao đất theo Luật, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất, không có hành vi vi phạm pháp luật đất đai và đất đó có quy hoạch phù hợp (với mục đích sản xuất đất nông nghiệp) thì người dân tiếp tục được sử dụng bình thường, không có xáo trộn gì. Ông nói thêm: “Chúng ta cần thông tin rộng rãi để người dân hiểu vấn đề. Không hề có chuyện năm 2013 sẽ thu hồi lại toàn bộ rồi chia lại đất. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ TN-MT và các địa phương hướng dẫn chính quyền các cấp thực hiện việc này. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm là dù hết thời hạn nhưng vẫn tiếp tục được giao đất theo đúng luật định”.

Cuối 2012: Trần lãi suất xuống 10%

Tại cuộc họp báo, một nội dung đáng chú ý khác được nhiều người quan tâm là khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động trong thời gian sắp tới. Trả lời báo giới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, các điều kiện cơ bản để hạ mặt bằng lãi suất đã chín muồi. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng đang giảm mạnh. Tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đã được cải thiện rất nhiều. Cuối năm 2011, lãi suất cho vay đã giảm được một phần về 17 - 19%. Hai tháng đầu năm 2012, tình hình tiếp tục diễn biến tích cực. Ông khẳng định: “Có thể hạ 1% mặt bằng lãi suất (trần lãi suất huy động hiện nay là 14%). Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố việc hạ lãi suất trong một vài ngày tới”.

Trao đổi với báo chí, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích: “Sẽ có người hỏi là nới lỏng chính sách tiền tệ như thế có vội vã không vì nguy cơ lạm phát vẫn đang rình rập? Tôi xin trả lời là Ngân hàng Nhà nước đã tính toán đầy đủ các yếu tố trước khi đi đến quyết định giảm mặt bằng lãi suất 1%. Tất nhiên, đi kèm với giảm lãi suất là các chính sách tín dụng linh hoạt để điều hành thị trường tiền tệ”. Khẳng định lãi suất sẽ còn giảm nữa, ông Nguyễn Văn Bình nói: “Nếu chúng ta thực hiện được mục tiêu đưa lạm phát xuống dưới 10% trong năm 2012, thì trung bình 3 tháng, trần lãi suất sẽ hạ 1%. Như thế, tới cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất có thể cũng ở mức dưới 10%...”.

Trước dư luận băn khoăn về hoạt động của các tổ chức tín dụng “có vấn đề”, Thống đốc thẳng thắn: “Tôi nói ngay là có 9 tổ chức tín dụng yếu kém, đang được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước để chuẩn bị cho quá trình tái cơ cấu. Trước đây, 9 tổ chức này chiếm dưới 10% tổng hoạt động của toàn bộ hệ thống nhưng sau khi Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh lại, số này chỉ ảnh hưởng khoảng 6% hệ thống. Do đó, chúng ta có thể yên tâm là số ngân hàng lành mạnh hiện chiếm đa số...”.