- Rủi ro vỡ nợ trái phiếu với một số doanh nghiệp bất động sản đang hiện hữu
- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 7: Cuộc chơi của ngân hàng và các công ty tài chính
- Bộ Tài chính lo rủi ro khi gần 750.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn
Đây là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia tại tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững”, sáng nay, 24/8.
Ba dòng vốn lớn bị đình trệ
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp vấn đề nghiêm trọng về nguồn vốn. Thị trường đang dư nguồn cung, không bán được hàng, song lại thiếu cung ở một vài phân khúc nên dòng tiền bị âm.
Nhìn vào báo cáo tài chính thì doanh nghiệp có khi lãi 1.000 – 2.000 hay 5.000 tỷ đồng, nhưng đến 1/3 đang bị nợ chưa trả. Tiền nợ thì vẫn được tính vào doanh số, lợi nhuận, tức là doanh số tăng, lợi nhuận tăng nhưng dòng tiền thì không có.
Dòng tiền đầu tư âm, dòng tiền bán hàng âm, các doanh nghiệp phải nhờ vào dòng tiền từ thị trường chứng khoán để bù đắp, tạo ra một sự cân bằng tài chính mong manh. Nhưng hiện nay, thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng, dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn.
Cùng với đó, nguồn vốn tín dụng cũng đang gặp khó. Đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin nào về nới room tín dụng; trong khi Ngân hàng Nhà nước cũng định hướng giảm vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Đặc biệt, vấn đề nghiêm trọng là dòng vốn lâu nay ủng hộ đắc lực cho thị trường bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp đang bị đình trệ.
![]() |
TS Lê Xuân Nghĩa |
Theo ông Nghĩa, trái phiếu doanh nghiệp có lợi thế là không phải kiểm tra sở hữu vốn, không phải trả gốc ngay, chỉ trả lãi, đáo hạn mới phải trả gốc và có thể phát phát hành trái phiếu mới để đảo nợ.
Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp không thể phát hành để đảo nợ. “Chúng tôi thống kê trong 4 tháng vừa trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trong rất thấp, đặc biệt tháng 7, tháng 8 đi xuống khá nghiêm trọng” – ông nói.
Hai phương án xử lý trái phiếu đáo hạn
Theo dự đoán của vị chuyên gia, từ nay đến cuối năm, có 112.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2%.
“Đây là con số rất lớn. Nếu doanh nghiệp không phát hành được để đảo nợ cũ này thì tình trạng vỡ nợ trái phiếu có thể xảy ra ở một bộ phận khá lớn doanh nghiệp, gây tác động xấu cho cả thị trường tài chính nói chung, nhất là ngân hàng và thị trường chứng khoán” – ông phân tích.
Về phương án xử lý đối với lượng trái phiếu đáo hạn, TS Lê Xuân Nghĩa đưa ra 2 phương án gợi ý. Thứ nhất là tìm một công ty tư vấn, công ty kiểm toán để rà soát lại tài chính của mình và mạnh dạn phát hành tiếp một đợt trái phiếu nữa để đáo hạn.
Thứ hai, nếu không thể phát hành đợt trái phiếu mới thì cần tìm mọi cách thanh lý tài sản, thanh lý dự án dở dang để trả nợ nhà đầu tư.
Về lâu dài, theo vị chuyên gia, để xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, dài hạn cho thị trường này, cần sớm xây dựng đạo luật về trái phiếu doanh nghiệp, học tập kinh nghiệm của các nước khác, nhưng khi áp dụng vào Việt Nam cần sáng tạo, cẩn trọng.
Ngoài vấn đề pháp lý cần học tập những kinh nghiệm về quản lý, đặc biệt là xếp hạng tín nhiệm. Những nước có thị trường vốn phát triển không thể nào thiếu những công ty kiểm toán uy tín, những công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín.
Bởi vì các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ nhìn vào bảng cân đối tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo dòng tiền… sẽ không thể hiểu được để quyết định đầu tư. Đối với họ, đơn giản chỉ quan tâm chuyện doanh nghiệp đó được xếp hạng như thế nào.
“Thị trường tài chính hiện tại của chúng ta đang thiếu vắng hai chữ minh bạch. Không có xếp hạng tín nhiệm giống như đi trong sương mù” – vị chuyên gia nói.