Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 7: Cuộc chơi của ngân hàng và các công ty tài chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng và các công ty tài chính chiếm tới gần 93% lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7 này, trong khi doanh nghiệp bất động sản vắng mặt.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 29/07/2022, có 28 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được công bố trong tháng 7 với tổng giá trị 18.661 tỷ đồng.

Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành có khối lượng phát hành lớn nhất với 15.058 tỷ đồng, chiếm 81% tổng giá trị phát hành.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục dẫn đầu với việc phát hành 4.494 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm, 8 năm và 21 tháng. Trước đó, trong tháng 6, Ngân hàng này cũng đã dẫn đầu thị trường với 10.655 tỷ đồng.

Tiếp theo là Ngân hàng MB với 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Ngân hàng HDBank 2.084 tỷ đồng; Vietcombank 1.550 tỷ đồng; Techcombank 1.000 tỷ đồng…

Nhóm các doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai với 2.225 tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành. Trong đó khối lượng phát hành lớn nhất thuộc về Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực với 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh riêng lẻ kỳ hạn 10 năm.

Các ngân hàng là chủ thể phát hành chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 7

Các ngân hàng là chủ thể phát hành chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 7

Như vậy, trong tháng 7, riêng nhóm ngành tài chính – ngân hàng đã chiếm tới gần 93% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục vắng bóng trên thị trường. Doanh nghiệp duy nhất có 1 đợt phát hành trị giá 200 tỷ đồng là Công tyCP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An.

Lũy kế từ đầu năm, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 8.996 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 191.279 tỷ đồng, giảm 38%. Đây là dữ liệu được VBMA ghi nhận theo ngày phát hành trái phiếu. Còn nếu tính theo ngày hoàn thành phát hành thì tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp tính đến hết tháng 7 lên tới 280.737 tỷ đồng.

Dù có sự suy giảm nhẹ, nhưng dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ nay đến cuối năm và trong những năm tới sẽ vẫn tiếp tục sôi động. Ngoài để huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì áp lực đáo hạn cũng đang rất lớn.

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2%, tương đương khoảng 62.470 tỷ đồng. Khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn cũng vào khoảng 29.160 tỷ đồng, chiếm 20,2%.

Năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271.400 và 329.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng.

“Việc khối lượng phát hành tăng nhanh thời gian gần đây cũng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là khối lượng đáo hạn lớn tập trung trong giai đoạn 2022-2024, chủ yếu là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng” – Bộ Tài chính lưu ý.