“Trái đắng” với quốc gia giàu coban nhưng nghèo nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi thế giới chạy đua áp dụng các công nghệ năng lượng xanh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhu cầu về coban (kim loại chủ chốt trong pin Lithium-ion) lớn hơn bao giờ hết. Nhưng Cộng hòa Dân chủ Congo - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đang phải trả giá đắt cho cuộc cách mạng năng lượng này.
Mẹ con chị Natalie leo lên mỏ dốc tìm nhặt coban để nuôi sống gia đình

Mẹ con chị Natalie leo lên mỏ dốc tìm nhặt coban để nuôi sống gia đình

Bên dưới lớp đất của Cộng hòa Dân chủ Congo là mỏ coban có trữ lượng dự tính lớn nhất thế giới. Đây là kim loại chủ chốt trong pin Lithium-ion, cung cấp năng lượng cho từ điện thoại thông minh đến xe điện. Năm 2021, Congo đã cung cấp khoảng 70% lượng coban của thế giới, lấn át các đối thủ cạnh tranh gần nhất là Australia và Nga. Khi thế giới chạy đua áp dụng các công nghệ năng lượng xanh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhu cầu về coban đang lớn hơn bao giờ hết. Pin hiện chiếm hơn 50% lượng tiêu thụ coban toàn cầu và với doanh số bán xe điện được dự đoán sẽ tăng từ 6,5 triệu chiếc vào năm 2021 lên 66 triệu chiếc vào năm 2040, nhu cầu về kim loại này của thế giới ngày càng tăng. Trong “cơn sốt” đó, các hoạt động khai thác công nghiệp khổng lồ (chủ yếu thuộc sở hữu của Trung Quốc) đã chuyển đến Congo.

Cuộc sống mưu sinh khốn khó

Những sườn dốc của mỏ COMMUS thuộc sở hữu của Trung Quốc ở Kolwezi, thủ phủ của tỉnh Lualaba ở phía Nam Congo thấp thoáng như những ngọn núi. Mới sáng sớm, chị Natalie và 2 con trai đều dưới 10 tuổi vội vã leo dốc về phía những chiếc máy ủi đang đẩy chất thải mới qua bờ kè. Họ phải di chuyển nhanh bởi nhân viên bảo vệ của mỏ sẽ bắt đầu tuần tra sau 1 giờ nữa. Giống như hàng nghìn người khác, Natalie và gia đình di cư đến Kolwezi từ một tỉnh nghèo khó ở nội địa Congo và dựng một ngôi nhà cách sườn mỏ COMMUS vài trăm mét. Ước mơ của họ là tìm đủ coban trong đống đất bỏ đi để kiếm được chút tiền ăn hàng ngày.

Cao trên bờ kè, Natalie bắt đầu đào. Những nhát xẻng của chị nhanh và mạnh. Hai đứa con John và King đào bằng tay không. Khi John tìm thấy một cục nhỏ màu vàng, nó đập vào lưỡi xẻng của mẹ, lắng nghe để phát hiện âm thanh đặc trưng của coban. Cậu bé ném đi rồi tiếp tục đào. Chẳng mấy chốc, một tiếng huýt sáo từ phía trên bờ kè vang lên. Cuộc tuần tra đã bắt đầu, Natalie và các con nhanh chóng rút lui. Họ sẽ quay lại trong 1 giờ nữa khi đội tuần tra nghỉ trưa và nếu tìm thấy đủ coban, họ sẽ có bữa tối.

Ngồi trước sân nhà, chị Nicole cầm trên tay bức ảnh con trai có tên Deomba kể: “Hôm đó khoảng 15h, tôi đang ở nhà thờ thì có người đến báo: Con chị đi mỏ gặp tai nạn. Nó chết khi mới 13 tuổi 1 tháng”. Giống như hàng trăm đứa trẻ trong thị trấn, Deomba kiếm thêm tiền cho gia đình bằng việc đào coban. Hôm đó, cậu bé nói là đi mua than về cho mẹ nấu bếp, nhưng lại đi tắt qua đường cao tốc và trèo lên bờ kè của công ty khai thác mỏ Congo Dongfang Mining (gọi tắt là CDM thuộc sở hữu của Trung Quốc). CDM là công ty con của công ty đa quốc gia Zhejiang Huayou của Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất coban lớn nhất thế giới. Trong nhiều năm, Huayou đã cung cấp coban cho các nhà sản xuất pin, từ đó pin chuyển đến các hãng như Volkswagen và Daimler để lắp cho xe điện.

Kè của CDM là những bức tường lớn bằng đất được xúc ra từ mỏ lộ thiên khổng lồ. Hàng ngày, những người khai thác thủ công tràn qua bờ kè, vào mỏ CDM để tìm kiếm coban mà họ có thể bán chui. Các đội tuần tra an ninh thường đuổi theo bắt giữ, đánh đập, và đôi khi bắn vào những kẻ xâm nhập. Nhưng người dân địa phương vẫn chấp nhận rủi ro vì nếu không tìm thấy coban, họ sẽ không có tiền ăn. Khi Deomba và một người bạn trèo lên bờ kè, một bức tường đất cao hơn 30m đã sạt lở và chôn sống chúng. “Thằng bé giống như con gái vậy. Nó làm tất cả việc nhà và giúp tôi rất nhiều. Tôi không thể quen được với việc đã mất nó” - Nicole kể về con mình với nụ cười yếu ớt.

Có tới 30% lượng coban của Congo đến từ các mỏ thủ công

Có tới 30% lượng coban của Congo đến từ các mỏ thủ công

Khó ngăn chặn lao động trẻ em

Ở rìa các mỏ lớn, gần 1/4 triệu thợ mỏ nhỏ lẻ (bao gồm cả phụ nữ và trẻ em) lao động để có được một phần nhỏ tài nguyên khoáng sản của Congo. Họ làm việc trong các đường hầm và mỏ lộ thiên được đào thủ công, tiếp xúc với phóng xạ, bị bắt giữ, thậm chí tử vong. Cách nơi Deomba được chôn chừng 500m là một mỏ khai thác coban thủ công lộ thiên có kích thước bằng 2 sân bóng đá và đầy trẻ em. “Congo là một quốc gia giàu có, đầy khoáng sản. Nhưng chính phủ không cung cấp tiền cho các trường học, thậm chí chính quyền địa phương tăng học phí gấp 6 lần nên cha mẹ đưa con cái của họ đến mỏ làm việc” - ông Albert Mutawa, người quản lý khu mỏ nói. Khắp khu vực này, mỏ bé có vài trăm nhân công, mỏ lớn đôi lúc có tới 15.000 thợ mỏ thủ công. Các mỏ lộ thiên đào thủ công có thể cực kỳ nguy hiểm.

Hầu hết các cậu bé làm việc trong mỏ của ông Mutawa đều từ 12 đến 16 tuổi. Chúng không đào đất dưới đáy hố mà được giao nhiệm vụ kéo những bao tải quặng nặng 40kg chất lên xe tải. Ông Mutawa nói, 1.200 bao đất mới chất đầy 1 xe tải và mỗi đội phải chất đầy 2 xe tải/ngày. Điều đó có nghĩa là, mỗi cậu bé sẽ mang khoảng 240 bao tải/ngày để đổi lấy chưa đầy 1 USD tiền công. Sau khi đất quặng được đổ vào xe, những cậu bé nhỏ hơn (chừng 5 - 6 tuổi) đưa những chiếc bao rỗng trở lại hố. Như vậy, bất chấp lệnh cấm của chính phủ đối với trẻ em làm việc trong hầm mỏ, thực tế điều này vẫn diễn ra.

Để xoa dịu những khách hàng lớn mua pin như Apple và Tesla, Chính phủ Congo cam kết sẽ trừng phạt mỏ nào để trẻ em tham gia khai thác. Nhưng mặc dù coban từ mỏ mà ông Mutawa làm việc không được bán trực tiếp cho các công ty như Apple và Tesla, rồi nó cũng tìm đến người tiêu thụ cuối cùng. Bởi ở Kolwezi, nhiều nhà kho được dựng lên để thu mua coban thủ công mà trung gian là thương nhân Trung Quốc. Một khi nguyên liệu này được đưa vào cùng với các mỏ khai thác hợp pháp thì gần như không thể truy được nguồn gốc.

“Chảy máu” nguồn khoáng sản quý hiếm

Coban là kim loại kỳ diệu cho phép pin sạc Lithium-ion tồn tại lâu hơn và cung cấp năng lượng tập trung hơn. Vì thế, trong nỗ lực toàn cầu hướng tới khử carbon, coban là kim loại mà nhu cầu sử dụng luôn tăng chứ không giảm. Bên cạnh đó, Trung Quốc đầu tư vào các mỏ coban lớn tại Congo phù hợp với chính sách “Made in China 2025”, trong đó Bắc Kinh hướng đến trở thành siêu cường trong 10 lĩnh vực sản xuất. Kế hoạch bao gồm việc phát triển khả năng sản xuất pin cho xe điện. Mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu, từ khai thác kim loại đến tự sản xuất pin, vươn lên thống trị kỷ nguyên năng lượng tiếp theo.

Tuy nhiên, cơn sốt khai thác coban đang mở ra một chu kỳ khốn khổ mới cho người dân và sự lạm dụng của các công ty khai mỏ nước ngoài tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Một người Congo từng làm việc cho mỏ của người Trung Quốc ở đây tiết lộ, anh mất hết tinh thần trước bạo lực và sự coi thường mạng sống con người của chủ mỏ. Anh cũng thực sự tức giận vì chính quyền đã chuyển giao nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm của đất nước cho người khác kiếm lợi. “Chúng tôi có quyền làm việc, đây là đất của chúng tôi. Nhưng những người thất nghiệp từ Trung Quốc đang đến đây trong khi người dân địa phương phải chịu đựng tình trạng khoáng sản bị đưa đi mà không có đầu tư trở lại. Trên thực tế, đất nước tôi kém phát triển bởi những gì họ đang chiếm đoạt. Không có ích lợi gì ở đây cả”.