Tổng thống Putin: Nga sẵn sàng đáp trả bất cứ hành động nào vi phạm hiệp ước INF của Mỹ

ANTD.VN - Ngày 5-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra tuyên bố rằng, Moscow sẽ buộc phải tiến hành phát triển tên lửa hạt nhân tầm trung nếu có đầy đủ chứng cứ về việc Mỹ thực hiện những hành động tương tự, sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Mỹ đã chính thức rời bỏ hiệp ước INF với Nga vào ngày 2-8, sau khi cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước và đã triển khai ít nhất một loại tên lửa bị cấm. Nga đã kịch liệt phủ nhận cáo buộc này.

Hiệp ước INF đã được ký giữa Liên Xô (nay là Nga) và Mỹ với cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn trong khoảng 310-3.400 dặm (500-5,500 km), nhằm làm giảm nguy cơ khởi động một cuộc tấn công hạt nhân từ phía bất kỳ bên nào.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (bên phải) bắt tay với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev sau khi ký Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) tại Nhà Trắng, Washington, Mỹ năm 1987 (Ảnh AP)

Tuy nhiên, vừa rút khỏi hiệp ước INF, Mỹ ngay lập tức tuyên bố phát triển "các hệ thống tên lửa dẫn đường và đạn đạo mặt đất, tên lửa thông thường và tên lửa di động".

Trước động thái trên của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức một cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia, đồng thời ra lệnh cho Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Tình báo nước ngoài (SVR) giám sát chặt chẽ bất kỳ động thái nào của Mỹ trong việc phát triển, sản xuất hoặc triển khai tên lửa bị cấm theo hiệp ước mà Mỹ đã chối bỏ.

Cuộc họp của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Hội đồng An ninh quốc gia

Trong khuôn khổ cuộc họp, Tổng thống Putin tuyên bố, nếu Moscow có được những thông tin đáng tin cậy rằng Washington đã hoàn thành việc phát triển các hệ thống tên lửa dẫn đường, tên lửa đạn đạo mặt đất và bắt đầu sản xuất chúng, Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nỗ lực toàn diện để phát triển các dòng tên lửa tương tự. Đồng thời, ông cũng cho biết hệ thống tên lửa trên không và trên biển của Nga sẽ được kết hợp và phát triển thành dòng tên lửa siêu thanh có khả năng ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào từ phía Mỹ.

Ở một diễn biến khác, ông Putin cũng để mở khả năng tiến hành các cuộc đàm phán song phương Mỹ - Nga về vấn đề kiểm soát vũ khí nhằm ngăn chặn cái mà ông mô tả là “một cuộc chạy đua vũ trang” mới.