Tổng cộng 50 thành viên của lực lượng hải quân Nga trong Hạm đội Baltic bị ông Putin sa thải
Quyết định trên của ông Putin đã cho thấy, hải quân Nga đang trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất về cấp chỉ huy kể từ những năm 1950.
Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ, tổng thống Putin đã sa thải đồng thời nhiều chỉ huy cấp cao trong Hạm đội Baltic của hải quân Nga vào cuối tháng 6-2016, sau khi những người này được cho là không tuân theo mệnh lệnh, thiếu năng lực và tham nhũng trong các hoạt động của hạm đội.
Theo Express, sau vụ va chạm giữa tàu ngầm Krasnodar của Nga với tàu tuần tra của Ba Lan trong một cuộc tập trận, điện Kremlin đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài 1 tháng để xác định nguyên nhân dẫn đến những sai lầm trong hoạt động của hải quân. Sau đó, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin cho rằng, các chỉ huy của Hạm đội Baltic đã cố tình che giấu vụ việc. Điều này đã khiến người đứng đầu Điện Kremlin và giới chức Bộ Quốc phòng Nga nổi giận.
Tuy nhiên, các nhà quan sát tin rằng, việc các chỉ huy của Hạm đội Baltic từ chối thực hiện yêu cầu đối đầu với tàu chiến NATO là nguồn gốc cho một cuộc "thanh trừng" những quan chức trái lệnh, như một sự cố gần đây, thay vì sử dụng các tàu chiến, giới chức quân sự Nga lại sử dụng các máy bay ném bom để "áp sát" tàu chiến USS Donald Cook của Mỹ.
Điện Kremlin lo ngại rằng, những vấn đề trong giới cấp chỉ huy sẽ khiến Hạm đội Baltic không chuẩn bị tốt cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với tàu chiến phương Tây.
Một bài báo đăng trên The Moscow Times cho biết, nguyên nhân dẫn đến những hỗn loạn trong hoạt động của Hạm đội Baltic đó là vì các sĩ quan chỉ huy đã xao nhãng nhiệm vụ.
"Ngày 29 - 6, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sa thải toàn bộ chỉ huy cấp cao và cấp trung của Hạm đội Baltic. Tổng cộng 50 thành viên của lực lượng hải quân bị sa thải, trong đó có cả chỉ huy hạm đội Phó Đô đốc Viktor Kravchuk và chỉ huy lực lượng Phó Đô đốc Sergei Popov", bài báo cho biết.
"Các chỉ huy đã bộc lộ thiếu sót nghiêm trọng trong việc tổ chức huấn luyện chiến đấu, trong các hoạt động hàng ngày của lực lượng, thất bại trong mọi biện pháp cần thiết để cải thiện nhân lực, không quan tâm đến cấp dưới ,và những báo cáo về thực trạng của vấn đề trong hạm đội thường bị bóp méo", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Biển Baltic là một điểm nóng tiềm tàng giữa các tàu hải quân châu Âu, Mỹ và hạm đội Nga.
NATO trước đó đã tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực giáp Nga và Estonia, Latvia và Litvia, cũng như Thụy Điển, Phần Lan và Ba Lan. Động thái này cũng đã khiến Moscow có những hành động đáp trả bằng cách tiến hành những hoạt động của riêng mình như một cách để răn đe đối phương.