Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh áp mức thuế nhập khẩu với thép và nhôm như dự kiến

ANTD.VN -Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu.

Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh áp mức thuế nhập khẩu với thép và nhôm mới

Các quy định mới về thuế của chính quyền Tổng thống Trump sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 15 ngày tới. Mexico và Canada là hai nước được miễn trừ chính sách này. Tuy nhiên, việc hai nước láng giềng của Mỹ có tiếp tục được hưởng chính sách này hay không sẽ phụ thuộc một phần vào tiến triển của các cuộc đàm phán về hiện đại hóa Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Bên cạnh đó, tất cả các nước có “mối quan hệ an ninh” với Mỹ có thể thảo luận với chính quyền Mỹ về "những cách thức thay thế" nhằm giải quyết mối đe dọa đối với an ninh quốc gia do hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thép và nhôm vào thị trường Mỹ. 

Việc miễn thuế đối với những nước trên được coi là một động thái có thể làm dịu làn sóng đe dọa trả đũa của các đối tác thương mại của Mỹ và những cảnh báo về tác động nghiêm trọng đối với kinh tế từ các nhà lập pháp và các tập đoàn cũng như doanh nghiệp Mỹ. 

Trước đó, trong một thông báo, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết việc miễn trừ thuế mới sẽ được xem xét và thực hiện trên cơ sở “từng trường hợp một” và “từng quốc gia một”. 

Tuần trước, Tổng thống Trump đã cảnh báo sẽ áp đặt mức thuế 25% đối với tất cả mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Các chuyên gia cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ sẽ là đòn giáng mạnh vào Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU), đồng thời có thể tạo ra các cuộc chiến thương mại mới. 

Mỹ là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch nhập khẩu gấp 4 lần so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng sản lượng nhôm nhập khẩu gấp 5 lần nhôm sản xuất tại Mỹ năm 2016

Canada là nước xuất khẩu thép và nhôm lớn nhất vào Mỹ, còn Mexico nằm trong top 5. Thép và nhôm của cả hai nước được vận chuyển qua biên giới bắc Mỹ phục vụ ngành sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng. Hàn Quốc, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, trở thành các quốc gia chịu thiệt thòi khi sắc lệnh thuế này có hiệu lực

Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu thép và nhôm lớn nhất thế giới và đã bị đổ lỗi cho việc sản xuất quá mức các kim loại đã tạo ra sự thừa thãi toàn cầu và gián tiếp làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp và việc làm của Mỹ. Nhưng do nhiều biện pháp thuế quan trước đây của Mỹ đối với các sản phẩm thép của tư nhân, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2,5% lượng thép nhập khẩu của Mỹ.

Ngành công nghiệp Mỹ phụ thuộc nhiều vào thép nhập khẩu

Vì lợi ích kinh doanh của Mỹ, các nhà lập pháp Đảng cộng hoà và các nhóm sản xuất đã ép Trump không đưa ra mức thuế trần. Thay vào đó, họ kêu gọi ông Trump đưa ra các hành động nhằm giải quyết vấn đề gốc rễ này hoặc nhắm mục tiêu vào Trung Quốc và các quốc gia khác mà chính quyền Trump tin là mua thép của Trung Quốc và bán cho Mỹ

Ông Trump giành chức Tổng thống Mỹ một phần về lời hứa tăng cường ngành công nghiệp Mỹ. Trong khi đó, mức thuế mới sẽ giúp các nhà sản xuất thép trong nước, ít nhất trong một thời gian. Còn các nhà kinh tế và các doanh nghiệp Mỹ khác sử dụng thép nhập khẩu cho rằng thuế quan sẽ đẩy giá kim loại lên cao, làm tổn thương người tiêu dùng và cuối cùng dẫn đến mất việc làm cho người Mỹ.