"Thiên đường thuế" - bản danh sách co hẹp vẫn khó để trừng phạt

ANTD.VN - Việc Liên minh châu Âu (EU) phải thu gọn “danh sách đen” các nước và vùng lãnh thổ là “thiên đường thuế” để có biện pháp trừng phạt cho thấy “dọn dẹp” thứ “thiên đường” tiêu cực này chẳng phải dễ dàng.

Người dân châu Âu biểu tình đòi xóa bỏ những thiên đường thuế

Giới chức Liên minh châu Âu (EU) ngày 15-1 đã đề xuất xóa 8 nước và vùng lãnh thổ khỏi “danh sách đen” có tổng cộng 17 nước và vùng lãnh thổ ngoài liên minh bị cho là các “thiên đường thuế”. Nếu được các Bộ trưởng Tài chính EU thông qua vào tuần tới khi nhóm họp tại Thủ đô Brussels (Bỉ), 8 quốc gia và vùng lãnh thổ này là Panama, Hàn Quốc, Barbados, Grenada, Macao (Trung Quốc), Mông Cổ, Tunisia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Bản “danh sách đen” về các “thiên đường thuế” được các thành viên EU khởi xướng từ tháng 4-2016, sau vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” chấn động thế giới, trong đó Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phanh phui một hệ thống trốn thuế quy mô toàn thế giới với sư “góp mặt” của nhiều chính trị gia, tỷ phú, nhân vật nổi tiếng… khắp toàn cầu. Song cũng phải mất tới một năm rưỡi “cân đo đong đếm”, đến tháng 12-2017, các Bộ trưởng Tài chính của EU mới thông qua một “danh sách đen” gồm 17 nước và vùng lãnh thổ ngoài là các “thiên đường trốn thuế”. 

Danh sách này gồm Samoa và Guam (Mỹ) ở Thái Bình Dương, Bahrain, Barbados, Grenada, Hàn Quốc, Macao (Trung Quốc), CH Quần đảo Marshall, Mông Cổ, Namibia, Palau, Panama, Saint Lucia, Samoa, Trinidad & Tobago, Tunisia và UAE.  Cùng với đó, EU cũng đã lập một danh sách gồm 47 nước và thực thể bị coi là không đáp ứng các tiêu chuẩn về thuế của EU nhưng cam kết sẽ thay đổi. 

Tuy nhiên, ngay sau khi danh sách những quốc gia và vùng lãnh thổ mà EU cho là “thiên đường thuế” vừa được công bố, liên minh này đã vấp phải sự phản đối của các quốc gia và thực thể có tên. Các quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, UAE, Tunisia… đã tuyên bố rất “bất ngờ và thất vọng” khi bị EU liệt vào danh sách các “thiên đường thuế”, mong liên minh “nghĩ lại” đưa họ ra khỏi danh sách nếu không ảnh hưởng tới quan hệ.

Bên cạnh áp lực quốc tế, EU còn bị chia rẽ ngay trong nội bộ liên minh về việc có nên áp lệnh trừng phạt tài chính đối với các nước, thực thể trong bản “danh sách đen” hay không. Một thành viên, trong đó có Pháp, ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các “thiên đường thuế” bị nêu tên như không cho nhận tài trợ của EU và Ngân hàng Thế giới (WB)... Song nhiều nước khác tỏ ý không muốn áp trừng phạt chung, mà cho rằng tốt hơn hết nên để từng thành viên EU trừng phạt đơn phương.

Việc EU phải đưa tới gần nửa tên quốc gia và thực thể khỏi bản “danh sách đen” công bố ban đầu cho thấy việc “dọn dẹp” các “thiên đường thuế” không hề dễ dàng cho dù chúng mang lại những hệ lụy rất xấu. Các “thiên đường thuế” là nơi mà các công ty đa quốc gia, nhân vật có máu mặt, giàu có… gửi hàng nghìn tỷ USD nhằm trốn thuế.

Tổ chức phi Chính phủ quốc tế Oxfam cho rằng, các “thiên đường thuế” giúp các doanh nghiệp lớn chiếm đoạt từ các quốc gia hàng tỷ USD mỗi năm, tiếp tay cho một hệ thống kinh tế bất công, khiến hàng triệu người mất đi hầu hết các cơ hội cải thiện cuộc sống tốt hơn... Việc trốn thuế thông qua những “thiên đường thuế” đã khiến các quốc gia đang phát triển mất gần 100 tỷ USD mỗi năm, trong khi số tiền này có thể tạo cơ hội cho 124 triệu trẻ em thất học được tiếp cận giáo dục, 6 triệu trẻ em sẽ được cứu sống nhờ được chi trả các biện pháp y tế.

Xóa “thiên đường thuế” dù rất được mong chờ nhưng rất khó khăn. Ngay EU khi lập bản “danh sách đen” cũng chẳng thể “gọt được chuôi” bởi không dám đưa ra những thành viên liên minh như Hà Lan, Luxembourg, Síp… từng bị “điểm mặt chỉ tên” là “thiên đường thuế”.