- Ông Donald Trump không tham dự sự kiện thường niên của báo giới
- Tổng thống Donald Trump đề xuất tăng ngân sách quốc phòng
- Ông Trump "nóng lòng" xây bức tường biên giới với Mexico
Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã giảm được 12 tỷ nợ công của Mỹ sau tháng đầu tiên cầm quyền
Tổng thống Donald Trump đã sử dụng kênh thông tin ưa thích là Twitter để nhấn mạnh tới một trong những thành tích đầu tiên sau tháng đầu tiên nhậm chức là giảm nợ công của Mỹ được 12 tỷ USD. Hơn thế, nhằm nêu bật “chiến tích” của mình, chủ nhân mới của Nhà trắng còn nhắc lại việc người tiền nhiệm đã làm số nợ công của nước Mỹ tăng thêm 200 tỷ USD trong tháng đầu tiên cầm quyền và nhấn mạnh rằng ông “vô cùng lạc quan về tương lai của nền thương mại và việc làm tại Mỹ”.
Thông tin việc giảm nợ công của Mỹ mà Tổng thống Trump đưa ra trùng khớp với dữ liệu mà Bộ Tài chính Mỹ công bố. Theo đó, số nợ công của Mỹ đạt mức 19.947 tỷ USD ngày 20-1-2017, ngày ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 45. Trong khi đó, tổng số nợ công của Mỹ vào ngày 21-2 là 19.935 tỷ USD, tức là giảm 12 tỷ USD so với 1 tháng trước đó.
Nợ công là một trong những vấn đề khó khăn của chính quyền Tổng thống Barack Obama tiền nhiệm. Ngay trong tháng đầu tiên sau khi nhậm chức của Tổng thống Obama từ 20-1-2009 đến 21-2-209, tổng số nợ công của Mỹ đã tăng 212 tỷ USD, từ 10.626 tỷ USD lên 10.838 tỷ USD.
Nếu nhìn vào những con số trên có thể dẫn tới nhìn nhận rằng Tổng thống Trump đã có bước chạy đà tốt đẹp hơn so với người tiền nhiệm trong việc giải quyết vấn đề nợ công của Mỹ. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng kinh tế Mỹ cách đây 8 năm, khi Tổng thống Obama nhậm chức và hiện nay lúc Tổng thống Trump vào Nhà Trắng lại thấy không hẳn là như vậy.
8 năm trước, Tổng thống Obama tiếp nhận từ người tiền nhiệm là Tổng thống George W. Bush một di sản kinh tế, trong đó có nợ công, được xem là tồi tệ. Khi ông Obama tiếp quản Nhà Trắng, nền kinh tế Mỹ lúc đó được cho là xuống tới đáy của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế được xem như trầm trọng nhất kể từ cơn Đại suy thoái 1929-1933. Do vậy, chính quyền ông Obama đã phải mạnh tay để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế.
Sau 8 năm, ông Obama để lại người kế nhiệm Trump một di sản kinh tế được xem là sáng sủa với sự phục hồi ổn định và tăng trưởng khá cao, cùng với đó là tỷ lệ thất nghiệp từ mức đỉnh trên 10% xuống dưới 5%, mức thất nghiệp thấp nhất trong hàng chục năm qua ở Mỹ. Dù số nợ công lúc ông Obama rời Nhà trắng có lên tới 19.945 tỷ USD, song phần lớn số này được chi trực tiếp cho người dân Mỹ như cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe tới hơn 1.100 tỷ USD, an sinh xã hội khoảng 900 tỷ USD…
Chính vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng những chính sách mà tân Tổng thống Trump thi hành thời gian qua chưa tác động tới vấn đề nợ công, nói chính xác là giúp làm giảm nợ công. Ông Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Trách nhiệm Liên bang, cho rằng sự cải thiện sớm về nợ công của Mỹ liên quan đến những dao động bình thường trong chi và thu, hơn là những chính sách mới mà ông Trump đã thực hiện.
Hội đồng Quan hệ Đối ngoại thậm chí còn dự báo nợ công sẽ tăng lên dưới quyền Tổng thống Trump vì cam kết không cắt giảm các chương trình quyền lợi của chính phủ, gia tăng chi tiêu cho quốc phòng, cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế doanh nghiệp.