Tổng Thanh tra Chính phủ: Mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hàng năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phát biểu thảo luận Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng hiện có quá nhiều cuộc thanh tra, ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của địa phương.

Cần quy định rõ chế tài xử lý việc chậm ban hành kết luận thanh tra

Phát biểu thảo luận dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) nhất trí với các đại biểu về xử chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra. Đại biểu cho rằng cụm từ không chồng chéo, trùng lặp được lặp lại nhiều lần nhưng thực tế cho thấy là tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra, ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của địa phương.

Do đó, Đại biểu Thuý đề nghị nên quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với lại bộ, ngành, địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) phát biểu thảo luận

Tại Điều 76 về ban hành kết luận thanh tra, Đại biểu Thúy cho rằng việc chậm ban hành kết luận thanh tra thì dự thảo luật còn bỏ trống, chưa được quy định rõ. Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với lại bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 đến hơn 6 năm.

Cùng cho ý kiến về nội dung trên, Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng việc xử lý chồng chéo là vấn đề cần thiết, làm sao tránh tạo áp lực nặng nề cho đơn vị thanh tra. Vì thực tiễn những đơn vị sản xuất kinh doanh khi có đoàn thanh tra vào, thì các đối tác kỳ hợp đồng rất dè dặt và khó khăn. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào chất lượng của các đoàn thanh tra, các cấp thanh tra. Nếu quy định như vậy không khéo thì sẽ trở thành cấp bảo lãnh cho các đơn vị đó.

Về vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra, Đại biểu Hạ cho rằng, có những cuộc thanh tra từ năm 2015, 2016 mà đến giờ vẫn chưa có kết luận thanh tra. Đại biểu băn khoăn việc giải quyết chậm ban hành kết luận thanh tra ra sao, nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục thế nào và chế tài ra sao.

Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Văn Hạ còn chỉ ra thực tế người ký kết luận thanh tra lại không tham gia Đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ báo cáo với người quyết định thanh tra.

“Khi xảy ra mâu thuẫn trong quá trình thẩm định sẽ phát sinh trường hợp thanh tra rồi mà không ban hành được kết luận thanh tra. Do vậy cần quy định cụ thể về nội dung này, chế tài xử lý” - Đại biểu Hạ nhấn mạnh.

Mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hàng năm

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện nay gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện để đảm bảo nguyên tắc “ở đâu có quản lý nhà nước, ở đó có thanh tra”, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở, nhất là đối với Thanh tra cấp huyện.

Do đó, sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc kiện toàn, tổ chức nâng cao năng lực cho cơ quan thanh tra huyện đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu giải trình

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu giải trình

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành lĩnh vực tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định việc thành lập Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ với các tiêu chí cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này.

Dự thảo Luật đã chỉnh lý việc thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ như Bảo hiểm xã hội, Ủy ban Quản lý vốn, Ban Cơ yếu Chính phủ theo hướng quy định tiêu chí, nguyên tắc thành lập. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể.

Về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với Kiểm toán Nhà nước; tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định cụ thể việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra Dự thảo Luật quy định rõ, mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hàng năm.

Dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước hàng năm phải đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.

Về Thanh tra Sở, việc phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân các tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn…