- Kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng là bài học sâu sắc với tất cả chúng ta
- Cử tri Hà Nội đề nghị Tổng Bí thư cho ý kiến về việc kỷ luật ông Đinh La Thăng
- Ông Đinh La Thăng chính thức nhận nhiệm vụ Phó Ban Kinh tế Trung ương
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước cử tri 2 quận Ba Đình, Tây Hồ
Đầu tiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt các ĐBQH ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 – TP Hà Nội bày tỏ cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của cử tri 2 quận Tây Hồ, Ba Đình. Theo Tổng Bí thư, đây là các ý kiến rất trách nhiệm, sâu sắc, là một kênh quan trọng để các ĐBQH hiểu thêm về thực tiễn cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của dân.
Với các ý kiến của cử tri về trường hợp xử lý kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, vừa qua, chúng ta đã xử lý một loạt các cán bộ nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng như ông Vũ Huy Hoàng, Trần Lưu Hải, Huỳnh Minh Chắc hay ông Võ Kim Cự, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
“Sắp tới còn nữa chứ không phải không nghiêm đâu” - Tổng Bí thư nói. Tổng Bí thư cũng cho rằng, nhiều người nói việc chúng ta “động đến” một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh lớn đến như thế là chưa bao giờ có.
“Đây mới chỉ xử về trách nhiệm trước kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn trách nhiệm hình sự người ta đang làm tiếp. Các Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương còn đang làm, một loạt nhân vật đang làm thêm... các bác cũng thông cảm cho” – Tổng Bí thư nói và chia sẻ “vừa qua họp xong Trung ương thì dư luận rất tốt”.
“Sắp tới còn làm tiếp chứ. Nhưng làm thế nào thì không thể nói trước được. Chúng ta cứ làm đúng luật pháp, đúng lương tâm, đạo đức, trách nhiệm” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói thêm về vụ việc này.
Với các góp ý của cử tri về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, công tác này được Trung ương Đảng chỉ đạo rất quyết liệt và gần đây đã có nhiều tiến bộ. Từ năm 2016 đến nay, đã khởi tố 9 vụ với 56 bị can, điều tra bổ sung 11 vụ liên quan đến tham nhũng.
Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng cũng đã thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra các địa phương. Đến nay, đã xử lý 265 vụ án, vụ việc, hiện đã có kết luận xử lý 100 vụ. Các vụ như Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, gần đây là vụ Trịnh Xuân Thanh và một loạt cán bộ ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang làm... cho thấy các cơ quan liên quan đã có rất nhiều cố gắng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội)
“Tuy nhiên, nghiêm túc phải nói còn rất nhiều việc phải làm, chưa hài lòng được. Đây là cuộc đấu tranh hết sức gian khổ, đòi hỏi hết sức kiên trì, kiên quyết vì tham nhũng, tiêu cực là “cái bệnh của nhân loại, thời đại”, thời kỳ nào cũng có, đất nước nào cũng có” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Theo Tổng Bí thư, người dân mong muốn các đối tượng tham nhũng phải bị xử lý nghiêm là rất đúng. “Nhưng ở thời điểm này, chúng ta có những cái luật pháp chưa rõ, quyết tâm đề ra nhưng khi xử lý lại bị vướng. Chúng ta xử lý nghiêm nhưng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời luật pháp của chúng ta rất nhân văn, mở đường cho người ta tiến, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Nhưng nói như vậy rồi bảo xử nhẹ đi là không đươc. Chúng ta xử lý nghiêm, nhân ái, nhân văn” – Tổng Bí thư nói thêm.
Ngoài ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XIV là kỳ họp đầu năm, có trách nhiệm xem xét, bàn luận, thông qua các dự án luật đã chín muồi. Cùng đó, Quốc hội tiến hành công tác giám sát, quyết định những vẫn đề quan trọng của đất nước... để có những bổ sung kịp thời.
Về các nội dung mà cử tri góp ý liên quan đến chất lượng xây dựng luật của Quốc hội, Tổng Bí thư cho biết, xây dựng luật là nhiệm vụ trọng tâm, rất cơ bản, quan trọng. Cho rằng đúng như cử tri góp ý, có những luật vừa ra đã phải sửa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lý giải, đây là lĩnh vực rất khó bởi thực tiễn cuộc sống rất phong phú, thay đổi liên tục và chúng ta cũng chưa có nhiều kinh nghiệm làm luật.
“Ở các nước họ có mấy trăm năm kinh nghiệm làm luật, Quốc hội của họ chỉ tập trung làm luật. Còn Quốc hội của ta còn là cơ quan đại diện cao nhất của dân, chỉ có 30% ĐBQH chuyên trách, lại phải có đại biểu đại diện các dân tộc, vùng miền... Nên dù chúng ta đã cố gắng rất nhiều song nếu nói khắc phục ngay được tình trạng phải sửa luật thì khó, không sửa thì lại là rào cản. Có luật rồi nhưng làm sao để luật đi vào được cuộc sống cũng là khâu rất khó” – Tổng Bí thư phân tích.