Tội phạm chiến tranh ở Nam Tư sống ẩn dật ở ngoại ô Boston nước Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kemal “Kemo” Mrndzic, 51 tuổi, bị các đặc vụ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ bắt giữ vào ngày 17- 5 tại ngôi nhà ở Swampscott, vùng ngoại ô Boston. Tội phạm chiến tranh người Bosnia này đã sống ẩn dật ở Mỹ suốt 25 năm cho đến khi thân phận bị bại lộ.
Một tội phạm chiến tranh người Bosnia đã sống ẩn dật ở Mỹ suốt 25 năm cho đến khi thân phận bị bại lộ

Một tội phạm chiến tranh người Bosnia đã sống ẩn dật ở Mỹ suốt 25 năm cho đến khi thân phận bị bại lộ

Bức hại tù nhân tàn bạo

Một người hàng xóm tại khu chung cư nơi ông Mrndzic sống mô tả người đàn ông này về cơ bản như bao người về hưu khác. Khu nhà này có rất nhiều người Đông Âu lớn tuổi và Mrndzic có vẻ không gặp khó khăn gì trong việc hòa nhập. Nhưng mọi người không hề biết người sống cùng tầng lại gây ra hàng loạt hành vi tàn ác thời chiến tranh cho đến khi được phóng viên phỏng vấn. “Tôi bị đánh thức lúc 6h sáng bởi tiếng loa phát ra. Họ có lệnh khám xét, một chiếc xe tải bọc thép, tôi biết đó là một vấn đề lớn. Họ ở lại khoảng 2 tiếng, khám xét căn hộ và bao vây xung quanh”.

Theo cơ quan chức năng Mỹ, ông Mrndzic là một nhân viên an ninh tại trại tù Celebici khét tiếng ở miền Trung Bosnia, nơi những tù nhân người Serbia bị bỏ đói, tra tấn và lạm dụng một cách có hệ thống những năm 1990. Ông này đang phải đối mặt với 4 cáo buộc liên quan đến gian lận vì đã nói dối cơ quan nhập cư về quá khứ của mình để có thể xin tị nạn ở Mỹ.

Tòa án Hình sự quốc tế của Liên hợp quốc về Nam Tư cũ (ICTY) và các tổ chức khác đã ghi lại việc lính canh bắt bớ có hệ thống, đánh đập, tra tấn và bỏ đói những người Serb bị giam giữ tại nhà tù Celebici. “Một người sống sót gần đây đã kể lại rằng tiếng la hét của các tù nhân trong trại do bị đánh đập đủ lớn để vang xa hàng kilômét”, cáo trạng viết.

Tại Celebici, Mrndzic là 1 trong 3 lính canh đã bị ICTY kết án vì nhiều tội ác chiến tranh năm 1996. Các lính canh gần như bỏ đói các tù nhân. Nhiều người sau đó cho biết họ đã giảm tới 1/3 trọng lượng cơ thể khi bị giam cầm ở đó. Nhân chứng tại phiên tòa ICTY còn nói họ bị tra tấn bằng việc đưa mảnh kim loại nóng vào lưỡi hay đốt cháy chân tay. Hơn một chục người sống sót sau khi bị giam cầm ở trại giam này xác định với ICTY rằng Mrndzic một trong những kẻ bức hại họ tàn bạo nhất.

Mặc dù vậy, Mrndzic phủ nhận tất cả. Và trước khi bị buộc tội phạm tội ác chiến tranh, ông ta đã nộp đơn xin tị nạn ở Mỹ. Trong hồ sơ, ông ta nói dối về mối quan hệ gia đình, nói rằng ông ta có một người anh cùng cha khác mẹ ở Lynn, Massachusetts. Thậm chí, Mrndzic khai man rằng ông ta sợ về nhà ở Nevesinje vì sẽ bị người Serb ở khu vực đó ngược đãi do đã trốn thoát khỏi nơi giam cầm của họ. Tóm lại, Mrndzic tự “tẩy trắng” khi biến mình thành mục tiêu của hành vi ngược đãi mà chính ông ta đã gây ra cho những người khác.

Phủ nhận việc tham gia bức hại tù nhân

Sau khi lừa được cơ quan di trú Mỹ, Mrndzic và vợ nhập cảnh vào ngày 4-3-1999. Ông ta cư trú tại Massachusetts và nhận được thẻ an sinh xã hội một thời gian ngắn sau đó. Người này được cấp tư cách thường trú nhân vào tháng 10-2008, được nhập quốc tịch vào tháng 4 năm sau.

Nhưng những lời nói dối của Mrndzic cuối cùng đã bại lộ. Vào tháng 3-2022, các đặc vụ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã đối chất với Mrndzic bằng những văn bản mà ông ta đã nộp cho các điều tra viên của ICTY trước đó. Lúc đó, ông ta phải thừa nhận về việc từng làm lính canh ở Celebici và một phần thông tin trong đơn xin tị nạn là sai. Tuy nhiên, ông ta phủ nhận việc từng tham gia, hoặc thậm chí chứng kiến bất kỳ hành vi bạo lực nào đối với tù nhân.

Hôm 15-5, các điều tra viên đã gặp Mrndzic tại nhà riêng của ông ta ở Swampscott. Lần này, Mrndzic nói rằng cảm thấy xấu hổ về việc nói dối để đến được nước Mỹ và thừa nhận ông ta chính là người mặc đồng phục cầm khẩu súng trường trong 2 đoạn video quay tại trại giam Celebici vào năm 1992. Tuy nhiên, ông ta tiếp tục phủ nhận việc tham gia vào cuộc bức hại tù nhân.

Không rõ Mrndzic đã kiếm sống bằng cách nào ở Mỹ, mặc dù hồ sơ cho thấy ông ta từng làm quản lý siêu thị ở New England. Mrndzic xuất hiện trước tòa vào chiều 17-5 và được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 30.000 USD. Nếu bị kết án về cả 4 tội danh, đối tượng sẽ phải đối mặt với tổng cộng tối đa là 30 năm tù và mức tiền phạt lên tới 500.000 USD.