Tôi đi tìm hài cốt liệt sỹ
(ANTĐ) -Trải qua hơn một nửa thế kỷ, những ký ức về cuộc kháng chiến chống Pháp đầu tiên trong đời ở khắp chiến trường Thượng Lào từ tháng 9-1945 đến 9-1946, hầu như đã đi vào dĩ vãng quá lâu rồi. Nhất là đối với các đồng đội đã hy sinh nằm rải rác trên đỉnh núi cao, đại ngàn của vùng Thượng Lào, thì không còn cách nào tìm lại hài cốt của các đồng chí ấy được.
Chính vì thế việc đi tìm hài cốt đồng đội đã hy sinh ở chiến trường xa bên nước bạn là vô cùng khó khăn, không làm sao có điều kiện để hoạt động do xa xôi, cách trở.
Năm 1998, lúc này tuy đã qua thời kỳ khó khăn của cuộc sống, nhưng tôi đã 74 tuổi, sức khỏe giảm sút qua những năm tháng thắt lưng, buộc bụng, cầm cự với cuộc sống, tìm kế mưu sinh hàng ngày để đỡ cho đồng lương hưu ít ỏi.
Tác giả (đứng giữa) đang kể lại quá trình chiến đấu của đơn vị tại Mường Lầm, huyện Sông Mã, Sơn La |
Một sáng khi gia đình tôi đã chuyển từ phố Hàng Gai sang mua đất làm nhà bên Gia Lâm, tôi thấy có khách lạ hỏi thăm đúng tên tôi và tự xưng là Cao Tự Dũng, em ruột của anh Cao Tự Cường, tức Trần Tư - Tiểu đội trưởng trong phân đội (trung đội) do tôi chỉ huy, sang giúp nước bạn Lào đánh Pháp giành lại chính quyền về cho nhân dân vùng Thượng Lào ngay sau ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thắng lợi.
Anh Dũng cho tôi biết quá trình tìm được đúng đầu mối là tôi, người chỉ huy cũ của anh Tự, cũng vất vả lắm.
Anh Dũng và các anh chị em của anh đã bỏ nhiều công sức thăm dò bạn bè để biết về sự hy sinh của anh Tự và nơi chôn cất thi hài, nhưng hầu như vô vọng vì đơn vị giải phóng quân đầu tiên ở Hà Nội ra đi chiến đấu ở chiến trường xa xôi bên nước bạn hầu như bặt tin, không nắm được thông tin rõ ràng về đơn vị này. Anh Cao Tự Dũng đã lần tìm đến đầu mối lãnh đạo cao cấp như đồng chí Lê Hiến Mai, đồng chí Hoàng Sâm, Vương Thừa Vũ… thì các anh này đã qua đời rồi.
May sao tình cờ anh đọc được bài báo “Một đơn vị giải phóng quân bị lãng quên” đăng trên Báo Văn hóa chủ nhật. Anh vội tìm đến tòa soạn ở góc đường Lê Duẩn và Nguyễn Du để hỏi thăm tác giả bài báo ấy là Lê Tuấn ở đâu?
Nhưng lại có một điều trắc trở, không hiểu vì sao biên tập là đồng chí Thanh, nhà ở phố ấu Triệu, duyệt đăng bài báo này đã bị phê bình và có công văn kiểm điểm đồng chí Thanh gửi đến các tòa soạn báo có trụ sở ở Hà Nội (đến nay thì chuyện này đã được công khai. Ngay chính Tạp chí “Hà Nội 1.000 năm” của cơ quan Đảng bộ Hà Nội cũng có bài viết về đơn vị giải phóng quân sang Lào đầu tiên này).
Thế là đầu mối này lại bị mất vì đồng chí Thanh đã chuyển sang công tác khác…
Tôi hỏi anh Dũng: “Thế thì làm sao anh lại tìm được đến tôi?”.
Đây cũng là sự tình cờ hay chính hồn thiêng của anh Cao Tự Cường (Trần Tự) đã chỉ bảo cho em biết tìm đến đúng đầu mối là anh.
Em công tác ở Ban Khoa giáo lịch sử Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chợt nảy ra ý nghĩ thử tìm trong danh sách các cán bộ là cựu chiến binh và người được hưởng đãi ngộ do có hoạt động cách mạng trước ngày Cách mạng Tháng Tám 1945. Việc này cũng kéo dài hàng năm trời.
Nhưng rồi lòng kiên trì của anh chị em chúng em mong mỏi tìm được hài cốt của anh Cao Tự Cường nên chúng em đã lần được ra đầu mối là Đại tá Nguyễn Quý Hợp, nhà ở số 228, đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Em đã tìm đến địa chỉ của bác Hợp thì được bác cho biết ngay: “Tôi chính là Tiểu đội phó của đồng chí Trần Tự.
Trong trận đánh ở Mường Lầm khi tiểu đội này rút lên núi cao thì anh Tự đã lần xuống núi để bắt liên lạc với ban chỉ huy. Sau đó dưới núi có nhiều tiếng súng nổ và bác Hợp không thấy anh Tự trở lên núi nữa... Bác Hợp cho em biết là cần phải tìm đến bác Lê Tuấn nguyên chỉ huy phân đội giải phóng quân ấy, và bác Hợp cho em biết địa chỉ của anh ở 63 phố Hàng Gai. Em vội ra Hà Nội đến phố Hàng Gai, tìm đúng số nhà, nhưng khi hỏi các hộ trong nhà đó thì được biết anh đã chuyển sang đây.
Tôi kể lại trường hợp hy sinh của anh Tự, cùng vài ba chiến sỹ khác trong đợt địch đã chiếm được Mường Lầm, súng cối bắn ra khắp núi rừng quanh bản để đề phòng đơn vị giải phóng quân của tôi lợi dụng ban đêm, tập kích lại vào Mường Lầm.
Sau đó, tôi còn vẽ sơ đồ nơi chôn cất đồng chí Tự cùng một số hố với đồng chí chỉ huy phân đội khác là Nông Văn Tần, người dân tộc Tày, giải phóng quân ở Cao Bằng thời kỳ bí mật.
Chúng tôi dùng dao găm đào đất đặt hai thi thể của đồng chí Tần và Tự vào một hố, lấy áo capot thu được của địch trong trận đánh ở Mường Lập vào tháng 11-1945 cách Sầm Nưa 60km về phía Nam, mà đồng chí Tự được phát để mặc chống cái rét buốt ở vùng núi rừng Thượng Lào. Chúng tôi còn vần hòn đá lớn chặn lên trên, chặt nhiều cành cây xếp trên hai thi thể rồi mới lấp đất.
Nắm trong tay tấm sơ đồ này, anh Dũng xin phép tôi ra về để báo tin mừng cho các anh chị em của anh biết. Đến năm 1999, khi anh Dũng đã nghỉ hưu, lại ra Hà Nội tìm gặp tôi cho biết: Anh đang liên hệ với bộ phận chính sách của Ban chỉ huy Tỉnh đội Sơn La để nhờ liên hệ với Huyện đội sông Mã và ủy ban xã Mường Lầm để có thêm tin tức về nơi chôn cất anh Tự.
Anh Dũng còn cười và cho tôi biết: “Thú thật với anh, chúng em đã thận trọng cử người gặp một nhà ngoại cảm có tiếng tăm để nhờ tìm chính xác nơi chôn cất anh Tự - nhà ngoại cảm ấy đã vẽ một sơ đồ núi rừng nơi chôn cất anh Tự tại tỉnh Phú Thọ. Chúng em chỉ cười thầm vì đã được tin chính xác về nơi chôn cất anh Tự ở bản Mường Lầm thuộc huyện sông Mã thì làm sao còn đưa thi thể về chôn ở Phú Thọ được.
Trong năm này anh Dũng luôn viết thư thông tin cho tôi biết mọi tình hình như: Ban chỉ huy Huyện đội sông Mã cho anh biết: “Một gia đình ở Mường Lầm, phá rừng để làm nhà. Khi cuốc đất để làm vườn họ đã thấy hòn đá to, vài mảnh vải áo dạ, chiếc khuy bằng đồng và ít mảnh xương vụn nằm rải rác, về sau khi Pháp đóng quân ở Mường Lầm đã cho xe ủi đất phá rừng làm đường cho xe ôtô chạy.
Người chồng khi đào đất, nhặt được chiếc khuy bằng đồng lại tưởng là vàng, đem khoe vợ thì chị vợ cho biết đó là khuy đồng nên vứt đi. Sau đó người chồng dùng bè xuôi sông Mã để lên núi chặt cây về làm nhà, lúc trở về ngược dòng nước, bè lật nên anh ấy đã chết đuối.
Tin này càng củng cố thêm lòng tin của anh chị em anh Dũng. Nhưng cũng phải chờ đến tháng 12-2000, anh Dũng lại gặp tôi ngỏ ý muốn mời tôi cùng đi với hai anh em anh lên Mường Lầm. Anh Dũng biết tôi lúc này đã 77 tuổi, đường lên đầu nguồn sông Mã lại rất khó khăn, nên anh sợ tôi không đủ sức khỏe để đi xa một chuyến vất vả. Nhưng mặc dù tuổi đã cao tôi vẫn nhận lời đi cùng anh Dũng và anh Cao San lên Mường Lầm.
Một hôm hai anh thuê xe taxi đón tôi đưa sang sân bay. Khi đã có vé trong tay đến ngày hôm sau mới đi lên sân bay Nà Sản thì sau khi chờ một lúc lâu, ban chỉ huy sân bay thông báo: Sân bay Nà Sản có sương mù dày đặc nên chuyến bay phải hoãn lại đến ngày hôm sau.
Lê Tuấn
(Còn nữa)