Toa thuốc đắng
(ANTĐ) - Đất nước Hy Lạp có thể thoát khỏi nguy cơ bị phá sản khi chấp nhận “toa thuốc đắng” cứu trợ khẩn cấp do các “thầy thuốc” IMF, WB và Liên minh châu Âu (EU) cùng “bắt mạch kê đơn”.
Biểu tình phản đối cắt giảm lương và phúc lợi xã hội tại Athens |
Còn phải chờ các Nghị viện của 15 thành viên trong Khối đồng tiền chung euro (eurozone) chính thức thông qua, song gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 110 tỷ euro (146 tỷ USD) cho Hy Lạp gần như đã được thông qua. Trong cuộc họp ngày 3-5, các Bộ trưởng Tài chính trong khối eurozone, bao gồm cả Hy Lạp, cùng với đại diện của IMF và WB đã đạt được thỏa thuận cứu trợ cho Hy Lạp.
Theo đó, việc giải cứu Hy Lạp sẽ diễn ra trong 3 năm với phần đóng góp chính trị giá 80 tỷ euro của EU, phần còn lại do IMF chịu trách nhiệm. 30 tỷ euro sẽ được giải ngân trong năm nay và số tiền gần 10 tỷ euro sẽ đến tay Athens trước 19-5, hạn chót Hy Lạp phải thanh toán các khoản lãi trái phiếu chính phủ đáo hạn.
Chính phủ của Thủ tướng George Papandreou, chính phủ của nhiều quốc gia thành viên khối eurozone có thể thở phào bởi “quả bom” khủng hoảng nợ Hy Lạp coi như đã được tháo ngòi nổ kịp thời. Thế nhưng, cái giá phải trả cho khoản cứu trợ 110 tỷ euro là không hề nhỏ.
Để giải thoát khỏi nguy cơ phá sản, chính phủ của Thủ tướng Papandreou phải thực thi một chính sách “thắt lưng buộc bụng” vô cùng khắc khổ để cắt giảm thâm hụt ngân sách từ hơn 13% xuống dưới 3%. Trong đó có cắt giảm mạnh lương, thưởng, dịch vụ tại khu vực công đồng thời tăng mạnh các loại thuế như nhiên liệu, rượu, thuốc lá...
Chính vì thế mà khoản cứu trợ khẩn cấp được những người làm công ăn lương, người lao động ở Hy Lạp xem là một liều thuốc đắng khó nuốt. Nhiều tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn lao động đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình lớn để phản đối chính sách kinh tế khắc khổ nhằm đánh đổi lấy khoản cứu trợ.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ của chính phủ ông Papandreou thì “toa thuốc” mà EU cùng với IMF và WB kê cho nước này dù đắng mấy cũng phải uống. Nếu không đất nước này chắc chắn sẽ bị phá sản bởi không thể trả được các khoản nợ nước ngoài.
Hy Lạp bắt đầu lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ nần khi bước sang năm 2010 với mức nợ quốc gia lên tới 115% GDP và có thể tăng tới 149% GDP vào năm 2013. Nếu không huy động được các khoản cứu trợ để trả cho các khoản nợ đáo hạn, Hy Lạp chắc chắn sẽ vỡ nợ.
Các thành viên khối này cũng phải chắt bóp để có hàng tỷ euro cứu trợ cho Hy Lạp, trong đó Đức phải gánh phần đóng góp lớn nhất lên tới 22,4 tỷ euro. Song cứu Hy Lạp cũng là cứu các thành viên eurozone khác, vì nếu Athens vỡ nợ thì đó cũng là quân bài domino đầu tiên đổ xuống để kéo theo cuộc khủng hoảng vỡ nợ dây chuyền.
Hoàng Tuấn